Ngoại ngữ - Du họcThông tin du học

Việt Nam nỗ lực để hút du học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhiều người thường nghĩ rằng, hầu hết chỉ có người Việt ra nước ngoài du học, còn người nước ngoài đến Việt Nam học tập chỉ có thể “đếm trên đầu ngón tay”. Thế nhưng, số liệu thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy, cùng với quá trình phát triển và hội nhập, Việt Nam, mà đặc biệt ở TPHCM, đang thu hút ngày càng nhiều du học sinh nước ngoài.

Bất ngờ

“Một điều rất thú vị là giờ đây con em người nước ngoài đến TPHCM du học rất nhiều, có đến hàng ngàn người”, đại tá Nguyễn Văn Anh, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (PA72) Công an TPHCM, chia sẻ về điều mà nhiều người không ngờ tới. Đại tá Nguyễn Văn Anh nhận xét, chính cơ quan quản lý nhà nước cũng bất ngờ về điều này, bởi trước đây, nước ta thậm chí không có thị thực loại du học cấp cho người nước ngoài vào Việt Nam, nhưng từ đầu năm 2015, Việt Nam đã có riêng một loại thị thực về du học.

Một địa chỉ được nhiều sinh viên quốc tế lựa chọn là Trường Đại học FPT. Hiện nay, trường có 140 sinh viên quốc tế theo học các chương trình cử nhân, thạc sĩ Kỹ thuật phần mềm, cử nhân Quản trị kinh doanh. Hàng năm, trường còn tiếp nhận khoảng 300 lượt sinh viên đến trao đổi chương trình học tập ngắn hạn hoặc giao lưu văn hóa. Họ đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Pháp, Thái Lan, Brunei, Hàn Quốc, Cameroon… Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, cho biết, khoảng 27% sinh viên học dài hạn ở Đại học FPT được nhận học bổng với các mức 20%, 50% và 100% học phí.

Sinh viên quốc tế đến học tập và giao lưu ở Trường ĐH FPT (Ảnh do Trường ĐH FPT cung cấp)

Sở dĩ Trường Đại học FPT được sinh viên các nước biết đến do trường đã được chứng nhận QS 3 sao (QS Stars – một trong các chuẩn xếp hạng hàng đầu dành cho trường đại học trên toàn thế giới), toàn bộ chương trình đào tạo thực hiện theo chuẩn quốc tế. Chương trình, giáo trình giảng dạy đều bằng tiếng Anh. Bằng cấp của trường cũng được nhiều trường trên thế giới công nhận. Cùng với Trường Đại học FPT, nhiều trường đại học ở TPHCM cũng đang thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến học như: Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), RMIT… Các trường như Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Tài chính Marketing, Đại học Mỹ thuật TPHCM… cũng có một số người nước ngoài đến học.

Ở các cấp học phổ thông, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM, cho biết thành phố thu hút được trên 8.000 con em người nước ngoài đến học. Các em có cha mẹ sang Việt Nam làm việc và đa số đang học tiểu học ở các trường quốc tế. Trong số đó, có khoảng 80% là học sinh có quốc tịch Hàn Quốc.

Nỗ lực hơn nữa

Ông Nguyễn Văn Hiếu lý giải, thế mạnh của các trường ở TPHCM là tổ chức dạy tiếng Anh rất sớm (từ lớp 1) và thời lượng nhiều (8 tiết/tuần). Ngoài ra, các trường, trung tâm cũng dạy cả các thứ tiếng Trung, Pháp, Nhật, Đức… đáp ứng đa dạng nhu cầu của mọi người, trong đó có người nước ngoài. Phụ huynh người nước ngoài có con nhỏ dễ dàng cho con em theo học ở các trường tư thục, quốc tế với số lượng khoảng 100 trường. Một số trường dạy hoàn toàn theo chương trình nước ngoài, còn hầu hết dạy chương trình do Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định, kết hợp dạy thêm một phần chương trình nước ngoài, dạy các môn toán, khoa học bằng tiếng Anh. Thông thường, các em học ngắn hạn ở TPHCM theo thời gian làm việc, sinh sống của cha mẹ. Riêng con em người Hàn Quốc thì học lâu dài hơn. “Thành phố luôn sẵn sàng chào đón các em học sinh nước ngoài. Đồng thời luôn chào đón, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, những nhà đầu tư nước ngoài xây dựng trường lớp đáp ứng nhu cầu học hành của con em các nước”, ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ.

Ở bậc giáo dục đại học, theo UBND TPHCM, hiện các trường thu hút được 767 sinh viên nước ngoài đến học tập và nghiên cứu. Trong hai năm 2016-2017, thành phố đặt ra chỉ tiêu thu hút được 1% sinh viên quốc tế trong tổng số sinh viên đang học trên địa bàn. Giai đoạn 2018-2020, mục tiêu này được nâng lên thành 2%. Tiến sĩ Đàm Quang Minh nhận xét, nhiều quốc gia có cùng mức độ phát triển như Việt Nam nhưng đã có những bước dài trong việc hấp dẫn du học sinh. Nổi tiếng nhất là Singapore, tiếp đến là Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan. Dùng giáo dục để đẩy mạnh quốc tế hóa là phương thức nhiều quốc gia áp dụng thành công và hấp thu được nhiều nhân sự giỏi của các quốc gia khác. Việc tiếp nhận du học sinh sẽ tạo môi trường học tập quốc tế, góp phần giúp sinh viên Việt Nam được làm quen và hòa nhập với văn hóa nước ngoài, chuẩn bị những hiểu biết và kỹ năng để làm việc trong môi trường toàn cầu.

“Việt Nam nói chung chưa có tên trên bản đồ du học thế giới. Muốn làm được điều này, cần nhiều nỗ lực hơn nữa, và đặc biệt cần sự hỗ trợ chính sách từ phía Nhà nước. Chúng ta cần toàn cầu hóa ngay trên chính sân nhà mình”, TS Đàm Quang Minh mong muốn. Theo TS Đàm Quang Minh, muốn có sinh viên sang du học thì chúng ta cần chuẩn bị các hành lang pháp lý cho việc này, bao gồm việc hỗ trợ trong học tập, xin visa và giải quyết các trường hợp không tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, cần có chương trình hỗ trợ các trường đào tạo bằng tiếng Anh và quảng bá về giáo dục Việt Nam.

 

Về cấp thị thực du học, đại tá Nguyễn Văn Anh cho biết, quy định hiện nay rất thông thoáng, chỉ cần có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam là người nước ngoài được cấp thị thực du học, thời hạn dài nhất 12 tháng. Nếu có nhu cầu và được nhà trường đề nghị, người học được cấp thẻ tạm trú 5 năm, tương ứng với thời gian học đại học. Luật cũng quy định, chỉ cần nhà trường đồng ý, du học sinh có thể làm thêm và được miễn giấy phép lao động.

ĐƯỜNG LOAN/SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)