Kinh tế - Giáo dục

Việt Nam quyết liệt triển khai các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 21-10, Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2024 chính thức khai mạc, thúc đẩy hợp tác toàn cầu vì tương lai xanh. Tham dự buổi lễ có ông Bùi Thanh Sơn – Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM; bà Phan Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Hà Kim Ngọc – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Tham dự phiên khai mạc có ông Margaritis Schinas – Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu; ông Ville Tavio – Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Hợp tác Phát triển Phần Lan; bà Inga Ziliene – Thứ trưởng Bộ Năng lượng Cộng hòa Lithuania; bà Rhiannon Harries – Phó Cao ủy Thương mại Vương Quốc Anh phụ trách Đông Nam Á; ông Julien Guerrier – Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam… cùng các lãnh đạo quốc tế.

Quyết liệt trong triển khai các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh

Tại buổi khai mạc, bà Phan Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ của Việt Nam tính từ đầu năm đến tháng 9-2024 đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang EU đạt 38,1 tỷ USD, tăng 17%. “Điều này cho thấy tiềm năng phát triển và tăng trưởng ngày càng hiệu quả và chất lượng giữa Việt Nam và EU” – bà Thắng nhấn mạnh. Bà Thắng cũng đề xuất cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU tiếp tục mở rộng hợp tác kết nối đầu tư, thương mại và chuyển giao công nghệ, hướng tới tăng trưởng xanh và đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu mới tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024.

Ông Margaritis Schinas – Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cho rằng EU coi Việt Nam không chỉ là đối tác thương mại quan trọng mà còn là nhân tố chủ chốt trong việc thúc đẩy chiến lược hợp tác toàn diện giữa EU và ASEAN. “Việt Nam là một ví dụ điển hình về hợp tác chiến lược và tăng trưởng xanh là trọng tâm trong mối quan hệ hợp tác này. Các sự kiện như GEFE 2024 đóng vai trò quan trọng trong việc biến những mục tiêu chung thành hiện thực” – ông Margaritis Schinas khẳng định.

Việt Nam quyết liệt triển khai các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững

Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Bùi Thanh Sơn – Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao chủ đề “kiến tạo tương lai xanh” và nhận định diễn đàn đã trở thành sự kiện thường niên quy mô, uy tín hàng đầu Việt Nam, một hình mẫu về hợp tác công tư trong tăng trưởng xanh.

Theo ông Bùi Thanh Sơn, để kiến tạo tương lai xanh, phải có tư duy xanh, tầm nhìn xanh, kết hợp với công nghệ xanh, năng lượng xanh và lối sống xanh. Với chủ trương “không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, Việt Nam đã đề ra mục tiêu tổng quát, xác định tăng trưởng xanh phải góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu giảm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Ông Sơn cho biết thêm, Việt Nam linh hoạt, sáng tạo và rất quyết liệt trong triển khai các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Chính phủ đã triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt. Cụ thể, ban hành các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, thực hiện cam kết trung hòa carbon, điển hình như kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII…

Đồng thời, hoàn thiện các chính sách về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, nổi bật là Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước và Luật Điện lực đang được sửa đổi. Cùng với đó, từng bước phát triển các thị trường quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài nguyên, tín chỉ carbon… với mong muốn song hành và hội nhập với thế giới trong lĩnh vực xanh.

“Tôi vui mừng thông báo, Việt Nam đã ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn và dự kiến sẽ triển khai thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025” – ông Bùi Thanh Sơn thông tin. Ông Sơn cho rằng việc tổ chức một diễn đàn tiên phong về đối tác công – tư cho tăng trưởng xanh sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác và thu hút tài chính xanh cho các nước đang phát triển nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

Lấy kinh tế xanh làm một trong những lĩnh vực đột phá về hợp tác

Sau gần 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác Việt Nam – EU đã phát triển toàn diện; nỗ lực tiên phong của EU trong xây dựng nền kinh tế châu Âu và toàn cầu xanh như thỏa thuận xanh, cửa ngõ toàn cầu, chiến lược kinh tế biển, kinh tế số… và các cơ chế, tiêu chuẩn về phát thải. Theo ông Sơn, đây là động lực và là kinh nghiệm quý để Việt Nam theo đuổi mục tiêu một nền kinh tế xanh, bền vững và trung hòa carbon vào năm 2050. Phát triển xanh và bền vững tiếp tục là quan tâm chung và cam kết của Việt Nam – EU.

Ông Bùi Thanh Sơn – Phó Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu tham quan những gian hàng, tham khảo những sản phẩm và công nghệ xanh hiện đại nhất từ Châu Âu và Việt Nam

Tại buổi khai mạc, ông Bùi Thanh Sơn nêu một số nội dung trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới, cụ thể: Thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương đi vào chiều sâu, lấy phát triển kinh tế, đặc biệt lấy kinh tế xanh làm một trong những lĩnh vực đột phá về hợp tác.

Thứ hai, nghiên cứu và triển khai một số dự án hợp tác hải đăng để thúc đẩy mô hình hợp tác công – tư, hợp tác nhiều bên về chuyển đổi xanh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh của mỗi bên. Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quý báu của EU về tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.

Thứ ba, tăng cường hợp tác trong nghiên cứu phát triển, các doanh nghiệp châu Âu có thể xem xét tăng cường đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, hạ tầng xanh, chuyển đổi số…

Thứ tư, đề nghị EU tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực cấp thiết đối với Việt Nam hiện nay như tăng cường năng lực quản trị công, kinh tế xanh, số và tuần hoàn.

Thứ năm, hai bên tăng cường trao đổi, ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế đa phương về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng và các lĩnh vực chiến lược khác.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường; đồng thời nhấn mạnh “EU đã trở thành đối tác quan trọng trong hành trình này”.

Hơn 150 diễn giả tham gia 30 phiên hội thảo với các chủ đề cấp bách

GEFE 2024 do EuroCham Việt Nam và Bộ Công Thương đồng tổ chức, dự kiến thu hút hơn 8.000 người tham dự với chuỗi chương trình kéo dài 3 ngày gồm các phiên thảo luận cấp cao, triển lãm công nghệ xanh và các hoạt động kết nối doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ GEFE 2024, các đại biểu cùng thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành khu triển lãm rộng hơn 3.200 m² và tham quan những gian hàng, tham khảo những sản phẩm và công nghệ xanh hiện đại nhất từ Châu Âu và Việt Nam. Tiếp đó, phiên thảo luận toàn thể đã quy tụ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới để chia sẻ những sáng kiến và thực tiễn trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

Các phiên thảo luận tập trung vào “Hiệp định Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng” (JETP), giúp các quốc gia đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong khi vẫn đảm bảo tăng trưởng bền vững. Trong suốt sự kiện, hơn 150 diễn giả sẽ tham gia 30 phiên hội thảo với các chủ đề cấp bách như Quy hoạch Điện VIII (PDP8), thị trường carbon, tài chính xanh và kinh tế tuần hoàn. Những thông tin này sẽ giúp các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách nắm bắt những xu hướng và cơ hội mới trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Kết nối vì tương lai bền vững một trong những điểm nhấn của GEFE là khả năng tạo ra mạng lưới kết nối hiệu quả giữa hơn 1.500 CEO và các nhà hoạch định chiến lược.

Các phiên thảo luận cũng nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác công – tư và những cơ hội đầu tư vào các dự án xanh. Hợp tác toàn cầu cho phát triển bền vững GEFE 2024 không chỉ là một diễn đàn đối thoại mà còn là một nền tảng kết nối giữa chính sách, doanh nghiệp và công nghệ. Sự kiện quy tụ hơn 200 gian hàng, bao gồm 13 gian hàng quốc tế, mang đến cho khách tham quan cơ hội khám phá các công nghệ và sáng kiến xanh tiên tiến nhất.

Ngoài ra, ngày hội sinh viên vào 23-10 sẽ chào đón 2.000 sinh viên từ hơn 10 trường đại học và tổ chức thanh niên, với nhiều hoạt động như GEFE Symposium, talkshow hướng nghiệp, hội chợ giáo dục và nghề nghiệp, khuyến khích thế hệ trẻ tham gia vào hành trình phát triển bền vững…

Nhật Huy

Bình luận (0)