Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Việt Nam sẽ nhập lao động phổ thông?

Tạp Chí Giáo Dục

Lao động phổ thông (LĐPT) đang thiếu trầm trọng. Nhưng thông tin hai DN ở TPHCM xin nhập khẩu LĐPT đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.
Đó được xem là nghịch lý, trong bối cảnh VN là nước có nguồn nhân lực dồi dào, tỉ lệ LĐ thất nghiệp còn cao và Nhà nước vẫn đang phải tìm đủ mọi cách để giải quyết việc làm trong nước và đẩy mạnh XKLĐ.
Có thiếu LĐPT?
Các DN KCN Thái Bình đang cần hàng chục ngàn LĐPT, nhưng số LĐ tuyển được chỉ ở con số hàng trăm; khảo sát gần 90 DN tham gia sàn giao dịch việc làm Hà Nội phiên 10.3 với nhu cầu tuyển 3.500 LĐ, nhưng DN chỉ tuyển được 312 LĐ có nghề và 78 LĐPT…
Nhu cầu tìm LĐPT tại các sàn giao dịch việc làm luôn cao.
Trước tình trạng cung không đủ cầu, lãnh đạo các DN, TTGTVL đã phải than trời, không hiểu LĐPT chạy đi đâu hết – khi mà VN có tới 50 triệu LĐ và con số công bố tỉ lệ thất nghiệp hằng năm vẫn ở mức cao. Kết quả tổng hợp từ các TTGTVL, sàn giao dịch cả nước năm 2009 cũng cho thấy, có tới trên 100.000 chỗ làm việc còn trống cần LĐ, trong đó có tới 80% là nhu cầu LĐPT, chủ yếu là của các DN ngành may mặc, giày da, chế biến nông – lâm sản. Nhưng, các TTGTVL mỗi năm chỉ có thể cung ứng 20% nhu cầu của các DN, cơ sở SX trên địa bàn…
Không thể tuyển đủ LĐ số LĐ cần cho SX, cực chẳng đã, mới đây, 2 DN là Nidec Tosok Vietnam và Three Bambi ở Khu chế xuất Tân Thuận (TPHCM) đã đề xuất xin nhập khẩu LĐPT từ Philippines và Lào để bù đắp số LĐ thiếu hụt. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ: Liệu VN có thật sự thiếu LĐPT để đến mức phải nhập khẩu LĐ? Bấy lâu nay, các số liệu điều tra về thị trường LĐ có thật sự chính xác?
Đã đến mức phải nhập?
Thực tế, nguyên nhân sâu xa khiến các DN VN không thể tuyển đủ LĐPT là mức lương, đãi ngộ chi trả cho LĐ còn quá thấp. Một công nhân so sánh: "Thu nhập của CN KCN không bằng thu nhập của 1 người giúp việc – không phải lo ăn uống, nhà cửa, mỗi tháng họ còn để ra được 1,2-1,5 triệu đồng. Điều các DN cần làm là tính đến hệ số lương (chỉ số chi tiêu, chỉ số đắt đỏ) tại các TP lớn. Nếu không, DN cũng cần phải thay đổi công nghệ để nâng cao năng suất LĐ, hoặc phải chuyển nhà máy đến khu có LĐ cạnh tranh hơn…".
Về điều này, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cũng thừa nhận: Quy định về lương tối thiểu của Nhà nước hiện đang ở mức thấp. LĐPT chủ yếu làm việc trong các ngành như dệt may, da giày, chế biến thủy sản… mà những ngành này thu nhập ở mức thấp (trung bình từ 1,1-1,4 triệu đồng/tháng).
"Đề nghị nhập khẩu LĐPT là không thực tế" – ông Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội – nhận định. Bởi theo ông: Việc đồng ý cho nhập khẩu LĐPT khác gì đẩy tỉ lệ LĐ thất nghiệp trong nước tăng lên, trong khi VN vẫn đang đẩy mạnh xuất khẩu LĐPT – coi đây là giải pháp quan trọng để tạo việc làm.
Mặt khác, mức lương trả cho LĐPT ở VN chắc chắn không đủ hấp dẫn để có thể “nhập” LĐ nước ngoài.
Hơn nữa, chỉ cần có mức lương thỏa đáng, các DN sẽ không hề khó khăn để tuyển được LĐPT trong nước.
 Theo Ngọc Bảo/ Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)