Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Việt Nam sẽ thành lập Hiệp hội quyền sao chép

Tạp Chí Giáo Dục

Hành vi sao chụp tác phẩm bằng máy và bằng công nghệ số đang lan tràn tại Việt Nam sẽ bị ngăn chặn bởi Hiệp hội quyền sao chép ra đời trong tương lai gần, dựa trên mô hình cơ sở tự nguyện có sự hỗ trợ của pháp lý.

Ban vận động thành lập Hiệp hội quyền sao chép. Ảnh: N.T.

Ở Việt Nam đến nay đã thành lập ba tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực âm nhạc, ghi âm và văn học, nhưng chưa có tổ chức quản lý tập thể nào hoạt động trong lĩnh vực sao chép và sử dụng số. Chính bởi điều này, nạn in lậu ngày càng hoành hành. Mới đây, hơn 50 tấn sách in lậu tại TP HCM được phát hiện, hơn 4.000 tác phẩm của các tác giả Việt Nam bị Google đưa lên mạng không xin phép. Đây là hai trường hợp điển hình cho việc xâm phạm quyền tác giả bằng cách sao chép từ máy sao chụp và sao chép bằng công nghệ số. Ông Hoàng Trọng Quang, Giám đốc NXB Y học, bức xúc: “Chúng tôi phải đầu tư rất cao cho một tác phẩm nhưng doanh thu lại rất thấp. Sách vừa ra bị in lậu ngay, hầu như không thể tái bản được”. Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Tuyến, phụ trách lĩnh vực bản quyền NXB Thế giới, lại băn khoăn trước việc nhà xuất bản, tác giả nước ngoài khi đàm phán với các đơn vị phát hành sách trong nước trong việc nhượng quyền luôn đưa ra câu hỏi đầu tiên về biện pháp của Việt Nam với nạn in lậu trầm trọng chứ không phải chuyện giá cả.

Theo ông Nguyễn Kiểm, Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, thực tế này sẽ làm mất đi khoản thu nhập quan trọng mà các tác giả và nhà xuất bản đáng lẽ được hưởng, đồng thời tạo nên rào cản lớn với các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Trước nguy cơ tác phẩm có thể bị sao chép bất cứ lúc nào, các tác giả, nhà xuất bản nước ngoài không muốn đưa tác phẩm vào Việt Nam, khiến công chúng mất đi cơ hội được tiếp xúc với các tác phẩm kinh điển, nổi tiếng thế giới.

Thực tiễn này cho thấy việc thành lập Hiệp hội quản lý tập thể quyền sao chép tại Việt Nam là cần thiết và đúng lúc. Ngày 11/8, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch công nhận Ban vận động thành lập Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam do ông Nguyễn Kiểm làm Trưởng ban. Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam (Vietrro) là tổ chức đại diện cho người nắm giữ quyền, là cầu nối giữa người nắm giữ quyền và người sử dụng tác phẩm, vừa phục vụ lợi ích của người nắm giữ quyền, người sử dụng, vừa phục vụ lợi ích chung của xã hội.

Mục đích trực tiếp và cụ thể của Vietrro là đại diện cho người nắm giữ quyền để khai thác giá trị kinh tế của các tác phẩm mà họ ủy quyền, thông qua việc cho phép sử dụng tác phẩm dưới hình thức sao chụp và một số hình thức sử dụng số, bao gồm sao chép số và sử dụng trên Internet.

Vietrro có nhiệm vụ theo dõi hoạt động sao chụp và sử dụng số, để biết được tác phẩm nào được sử dụng, ai sử dụng, sử dụng ở đâu, sử dụng khi nào, sử dụng như thế nào (mục đích, phạm vi), nhằm mục đích tạo ra cơ sở để thu tiền thù lao sử dụng tác phẩm và phân phối tiền thù lao cho người nắm giữ quyền, tương xứng với mức độ tác phẩm của họ được sử dụng trên thực tế.

Về mô hình của Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, bà Đoàn Thị Lam Luyến, giám đốc Trung tâm Quyến tác giả văn học cho biết, Việt Nam đã tham khảo nhiều mô hình quốc tế, trong đó có mô hình dựa trên cơ sở tự nguyện, bắt buộc và tự nguyện có sự hỗ trợ của pháp lý. Theo bà, mô hình tự nguyện có sự hỗ trợ của pháp lý rất thành công ở Bắc Âu, nhất là Nauy, tỏ ra phù hợp với Việt Nam hơn cả. Hiện các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan như IFRRO cùng các tổ chức thành viên ở nhiều nước đã và đang tích cực giúp Ban vận động thành lập Vietrro.

IFRRO cùng các tổ chức thành viên, đặc biệt là Nauy, đang hỗ trợ Việt Nam trong việc nghiên cứu, mở rộng phạm vi hoạt động quản lý tập thể sang lĩnh vực mới là quyền sao chép. Theo thỏa thuận ban đầu, tổ chức NORCODE của Nauy sẽ tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để Việt Nam thành lập và đưa vào hoạt động một tổ chức quản lý quyền sao chép. NORCODE cũng đang và sẽ sẵn sàng hỗ trợ việc thành lập hiệp hội tác giả phi hư cấu, một hiệp hội tập hợp đông đảo người nắm giữ quyền, ủy quyền cho Vietrro quản lý.

Ban vận động thành lập VIETRRO do ông Nguyễn Kiểm – Cục trưởng Cục Xuất bản làm trưởng ban. 11 thành viên khác của ban là PGS.TS Đào Duy Quát – TBT báo Điện tử Đảng Cộng sản VN, nhà văn Đỗ Kim Cuông – Vụ trưởng Vụ văn hoá, văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến (Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN), Giám đốc NXB Thế giới Trần Đoàn Lâm; bà Nguyễn Thu Dung – nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty phát hành sách VN, ông Lê Phước Dũng – Giám đốc NXB Bản đồ, PGS.TS Đàm Đức Vượng – nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, PGS.TS Phạm Hữu Tiến – Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học – Học viện Chính trị Quốc gia HCM, TS Cao Kim Ánh – Chuyên gia cao cấp về CNTT – cố vấn BGĐ Trung tâm Quyền tác giả Văn học VN, TS Luật Lê Xuân Thảo – Uỷ viên Ban chủ nhiệm đoàn luật sư HN – Uỷ viên thường vụ Hội Luật gia VN, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến – Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả VN.

Ngọc Trần (Theo VNE)

Bình luận (0)