Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Việt Nam sẽ trở thành ‘thiên đường hàng nhái, hàng giả’ sau Trung Quốc?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trung Quốc trong hàng chục năm qua đã nghiễm nhiên trở thành “thiên đường hàng nhái, hàng giả”. Việt Nam liệu có rơi vào tình trạng này?

Khi website bán hàng giả, hàng nhái trị giá… 24 tỉ USD

Thời gian gần đây, một website bán hàng online của Trung Quốc thường được nhắc đến như một doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) điển hình: Pinduoduo.

Pinduoduo khởi nghiệp cách đây khoảng 3 năm, bán các loại hàng hóa “thượng vàng hạ cám” với đặc điểm nổi bật nhất là mọi người có thể cùng mua chung và chia nhau với mức giá rất rẻ. Tuy nhiên, một điểm nổi bật khác trên Pinduoduo thậm chí lấn át cả điểm nổi bật đầu tiên, đó chính là tràn lan hàng giả, hàng nhái…

Viet Nam se tro thanh ‘thien duong hang nhai, hang gia’ sau Trung Quoc?
Hàng giả, nhái muôn hình vạn trạng, và tất nhiên mức giá rẻ hơn hàng chính hãng rất nhiều

Hàng giả, hàng nhái trên Pinduoduo muôn hình vạn trạng khi nó được cung ứng từ “đại công xưởng” của thế giới nhưng cũng đồng thời là “đại công xưởng” sản xuất hàng nhái, hàng giả nhất quả đất. 

Nhưng điều này, trong hàng chục năm qua, lại hợp với thị hiếu tiêu dùng của không ít người Trung Quốc – đặc biệt là giới thu nhập thấp và trung bình, dân nông thôn và tỉnh lẻ, giới thanh niên không đặt nặng yêu cầu về chất lượng và độ bền mà chỉ cần mã ngoài, giá rẻ để tiện trang sức và thay đổi khi cần.

Sau 3 năm khởi nghiệp, Pinduoduo đã vượt ngưỡng hơn 50 triệu lượt truy cập mỗi ngày, và sau khi tiến hành IPO gần đây giá trị doanh nghiệp đã gần đạt ngưỡng 24 tỉ USD. Tất nhiên, sau khi đạt được thành công như vậy thì Pinduoduo cũng tính đến việc kiểm soát dần hàng nhái/hàng giả bán trên sàn – thứ mà đã giúp họ có được “quả ngọt” ngày hôm nay – để tránh những “quả đắng” về sau.

Việt Nam đang dần trở thành “thiên đường hàng nhái, hàng giả”?

Nằm cạnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có một “đại công xưởng” sản xuất hàng nhái, hàng giả nhất là Trung Quốc, Việt Nam lẽ tất yếu cũng bị ảnh hưởng. Và còn một sự ảnh hưởng kéo theo rất nguy hiểm nữa, nhiều thương nhân Việt Nam xem việc làm giàu từ việc sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả là điều bình thường cho dù vi phạm pháp luật; và nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam cũng mua và sử dụng hàng nhái, hàng giả như một điều bình thường.

Tất nhiên, hàng nhái, hàng giả có mức giá rẻ hơn so với chính hãng rất nhiều. Nhưng “tiền nào của nấy”, nhìn hình ảnh trên online thì thấy đẹp đẽ nhưng khi trực tiếp cầm món hàng được giao tới tay mới cảm thấy đầy thất vọng.

Theo như bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – cho biết trong  hội nghị “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam – nguy cơ, thách thức và giải pháp” mới đây tại TP.HCM: Một chiếc đồng hồ Rolex giá chính hãng vài trăm triệu đồng nhưng hàng giả, hàng nhái trên online giá chỉ 200.000 – 300.000 đồng. Những chiếc túi xách hàng hiệu giá vài ba triệu đồng/chiếc thì hàng giả, hàng nhái giá chỉ 100.000 – 200.000 đồng/chiếc…

Tháng 9 vừa qua Trung Quốc đã ban hành luật thương mại điện tử mới quy định mức phạt các chủ sàn thương mại điện tử bán hàng giả có thể lên đến 30 triệu USD.

Đó là động lực để các sàn kiểm soát hàng hóa chặt chẽ hơn, song cũng “vẽ đường cho hươu” là hàng nhái, hàng giả từ Trung Quốc kiếm đường chạy ra hải ngoại, trong đó Việt Nam là một trong những tuyến xuất thuận lợi nhất.

Trong tổng số hơn 30.000 tài khoản Facebook bán hàng online tại Hà Nội và TP.HCM, nếu có thể thống kê cũng sẽ thấy được số lượng, tỉ lệ tài khoản bán hàng giả, hàng nhái là không ít.

Không dừng lại ở đó, ngay cả các sàn thương mại điện tử có tên tuổi tại Việt Nam như Lazada, Shopee, Tiki, Adayroi, Sendo… cũng đầy hàng giả, hàng nhái dù đã có bộ phận chuyên kiểm soát về chất lượng hàng đầu vào.

Nguyên nhân lớn nhất đang dần biến Việt Nam trở thành “thiên đường hàng nhái, hàng giả” thứ hai sau Trung Quốc chính là nhiều thương nhân thấy dễ thu lợi từ việc kinh doanh loại hàng hóa này nên đánh hàng về từ Trung Quốc, đồng thời cũng có sự đóng góp của không ít đối tượng sản xuất hàng nhái, hàng giả tại Việt Nam.

Trong khi đó, sự kiểm tra, kiểm soát và xử lý của cơ quan chức năng thì lẻ tẻ không thấm vào đâu, mức xử phạt thì không đủ mạnh để răn đe đối tượng cố tình vi phạm…

Thụy Du/Phunuonline

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)