Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Việt Nam – Thái Lan cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhận lời mời của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha, ngày 23-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Thái Lan.   

Lễ ký Tuyên bố chung về họp Nội các chung Việt Nam – Thái Lan lần thứ 3  

Đề ra định hướng hợp tác lớn 

Sau lễ đón trọng thể tại Tòa nhà Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm hẹp với Thủ tướng Prayut Chan-ocha; cùng các thành viên chính phủ hai nước tiến hành cuộc họp nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3. Đây là kỳ họp nội các chung đầu tiên kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (tháng 6-2013).         

Tại cuộc hội đàm và họp nội các chung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện trên tinh thần Đối tác chiến lược với Thái Lan; ủng hộ Thái Lan có vai trò và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Prayut Chan-ocha bày tỏ mong muốn cùng hợp tác chặt chẽ nhằm đưa quan hệ hai nước phát triển ngày càng toàn diện, hiệu quả và thực chất hơn.       
Hai Thủ tướng thống nhất đề ra những định hướng hợp tác lớn trong thời gian tới nhằm làm sâu sắc và tăng cường hơn nữa tính hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan, hướng tới thập kỷ thứ 5 trong quan hệ song phương.      

Về chính trị, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp; thực hiện tốt Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan giai đoạn 2014-2018; phát huy hiệu quả cơ chế hợp tác như họp Nội các chung, Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương (JCBC), hội nghị hẹp cấp Ngoại trưởng, Nhóm Công tác chung về Hợp tác Chính trị – An ninh (JWG/PSC); phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976 – 2016).     

Về quốc phòng và an ninh, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương; sớm thiết lập và triển khai hoạt động các Cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Bí thư thường trực Bộ Quốc phòng Thái Lan; cơ chế Đối thoại An ninh cấp cao giữa Bộ Công an Việt Nam và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, cũng như thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các văn bản hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này như hiệp định dẫn độ tội phạm. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc cam kết không cho phép bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng lãnh thổ nước này thực hiện các hoạt động chống phá nước kia. 
     
Về kinh tế, hai nước nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ USD vào năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị phía Thái Lan tăng cường đầu tư vào các ngành Thái Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, đặc biệt là du lịch biển, công nghiệp dệt may, da giày; sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí chế tạo, hóa chất, nguyên vật liệu. Hai nước cũng nhất trí tăng cường hợp tác hiệu quả hơn nữa trong các lĩnh vực hợp tác khác như lao động, văn hóa, thể thao, giáo dục, thủy sản, khoa học công nghệ và kết nối, trong đó có việc phối hợp mở dịch vụ vận tải hành khách theo tuyến cố định giữa hai nước, cũng như hợp tác vận tải biển ven bờ giữa Thái Lan, Campuchia và Việt Nam…   

Chia sẻ quan tâm về tình hình khu vực Đông Nam Á

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cùng nội các Việt Nam – Thái Lan.

Hai Thủ tướng cũng trao đổi sâu rộng các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước ASEAN khác nhằm thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và giai đoạn tiếp theo; đồng thời duy trì vai trò lãnh đạo và trung tâm của ASEAN trong các vấn đề chiến lược ở khu vực. Hai bên cũng chia sẻ quan ngại về diễn biến gần đây tại biển Đông, tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định cũng như an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại biển Đông.     

Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết của việc các bên liên quan đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); xây dựng, duy trì và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau; kiềm chế và không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); tăng cường đối thoại và tham vấn để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).     
  
Sau lễ ký, hai bên đã tổ chức họp báo về chuyến thăm chính thức Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và kết quả cuộc họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3, ra Thông cáo báo chí chung về chuyến thăm.

Kết thúc cuộc họp, hai Thủ tướng cùng chứng kiến Lễ ký kết các các thỏa thuận hợp tác, gồm: Tuyên bố chung về cuộc họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3; Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động; Thỏa thuận về Tuyển dụng lao động; Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa tỉnh Long An và tỉnh Trat; Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Ubon Ratchathani.

 

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhorn. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Công chúa và Hoàng gia ủng hộ hợp tác bảo vệ nguồn nước sông Mê Công. Về phần mình, Công chúa cũng bày tỏ vui mừng với vai trò là Đại sứ thiện chí của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp  quốc (UNESCO) góp phần vào việc tăng cường hợp tác giáo dục giữa Thái Lan và Việt Nam. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Thái Lan Pornpetch Wichitcholchai. 

 

Tại Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam – Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đang quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng… nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Thái Lan.

Gặp gỡ và nói chuyện với bà con kiều bào và sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao lòng yêu nước và những đóng góp quan trọng của kiều bào tại Thái Lan cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

 Theo Thanh Hằng/ SGGP (tổng hợp)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)