Hai bên cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 25-30 tỉ USD theo hướng cân bằng hơn
Tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ, năng động trong quan hệ song phương thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực. Hợp tác kinh tế tiếp tục là điểm sáng. Năm 2021, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với kim ngạch đạt cao kỷ lục 19 tỉ USD, tăng 18% so với năm 2020.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại đạt 17,8 tỉ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan đứng thứ 9/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 670 dự án, tổng vốn đăng ký 13 tỉ USD…
Trao đổi về phương hướng nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường, hai bên nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, đặc biệt là cơ chế họp nội các chung do thủ tướng hai nước đồng chủ trì; phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027 được ký kết nhân chuyến thăm này.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa 2 nước. Ảnh: TTXVN
Hai bên cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 25-30 tỉ USD theo hướng cân bằng hơn; tăng cường kết nối trên các lĩnh vực. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh ngân hàng trung ương hai nước triển khai thành công Dự án Kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng mã QR, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai nước.
Hai bên cũng nhất trí khuyến khích doanh nghiệp hai nước sang đầu tư. Trong đó, Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng xanh, ôtô, thực phẩm chế biến, dệt may, vật liệu điện tử, hóa chất, hạ tầng khu công nghiệp.
Thúc đẩy giao lưu nhân dân
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giữa Thái Lan và Việt Nam nhằm đóng góp cho sự vững mạnh về kinh tế – xã hội hai nước thông qua Chiến lược "Ba kết nối", gồm kết nối chuỗi cung ứng, kết nối các ngành kinh tế cơ sở, đặc biệt là kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững của hai nước là Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam và Mô hình kinh tế Sinh học – Tuần hoàn – Xanh (BCG) của Thái Lan.
Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương, giao lưu nhân dân, tăng cường giảng dạy tiếng Thái tại Việt Nam và tiếng Việt tại Thái Lan. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính phủ và chính quyền các địa phương của Thái Lan tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Thái Lan, cũng như việc bảo tồn, phát huy giá trị của các địa điểm văn hóa lịch sử Việt Nam tại Thái Lan, nhất là 3 khu di tích/tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai nhà lãnh đạo khẳng định phối hợp thúc đẩy một ASEAN đoàn kết, tự cường và phát huy vai trò trung tâm; xây dựng tiểu vùng Mê Kông kết nối, hòa bình và thịnh vượng; duy trì lập trường chung của ASEAN về biển Đông, theo đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã chứng kiến lễ ký kết 5 văn kiện hợp tác gồm: Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027; Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Khon Kaen – Thái Lan; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ủy ban Thương mại Thái Lan; Thỏa thuận thúc đẩy hợp tác Thương mại và Đầu tư song phương giữa Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu Thái Lan.
Hai nhà lãnh đạo ra Tuyên bố chung với thông điệp "Kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Thái Lan: mở ra chương mới của mối quan hệ Đối tác Chiến lược mạnh mẽ hơn nữa vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung". |
Theo Dương Ngọc/NLĐO
Bình luận (0)