Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Việt Nam thu hút vốn FDI trở lại: Mấu chốt là khâu thực hiện

Tạp Chí Giáo Dục

Sau nhiều năm yên ắng, những tháng đầu năm 2013, tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã có tín hiệu lạc quan hơn. Một số dự án đầu tư hoặc bổ sung vốn trị giá hàng trăm triệu, thậm chí nhiều tỷ USD. Bên cạnh niềm vui, cũng có một số ý kiến băn khoăn: Liệu các dự án này có tạo được sự chuyển biến về chất lượng đầu tư?

Tình hình thu hút FDI những tháng đầu năm 2013 có tín hiệu khởi sắc. (Ảnh: Sản xuất cơ khí tại Công ty Nidec Tosok Corporation tại KCX Tân Thuận, TPHCM).

Nhiều dự án lớn

Dù còn chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và đối diện với không ít khó khăn, song những tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã đón nhận nhiều dự án đầu tư FDI với quy mô lên đến hàng tỷ USD. Tiêu biểu, cuối tháng 1 tại Thanh Hóa, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Tổ hợp nhà thầu ký kết hợp đồng EPC (Thiết kế – Xây dựng – Vận hành) Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 9 tỷ USD, được xem vốn FDI lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Tiếp đó, cuối tháng 3, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đã lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động với vốn đầu tư 2 tỷ USD tại Thái Nguyên. Gần đây, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Bus Industrial Center (Nga) xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe buýt và các dịch vụ hỗ trợ trên diện tích khoảng 50ha tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định với vốn đầu tư 1 tỷ USD, dự kiến xây dựng trong 36 tháng. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến xem xét dự án xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu Nhơn Hội – Bình Định do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) làm chủ đầu tư có tổng trị giá lên đến 27 tỷ USD.

Ngoài ra, còn có dự án Công ty cổ phần Prime Group của Thái Lan với tổng vốn đầu tư hơn 239 triệu USD khai thác đá, cát, sỏi để sản xuất vật liệu xây dựng tại tỉnh Vĩnh Phúc; Dự án khu phức hợp VSIP Bình Hòa – Bình Dương của Singapore đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành khu dân cư phức hợp cùng hệ thống hạ tầng đồng bộ hoàn chỉnh để bán và cho thuê với tổng vốn đầu tư gần 200 triệu USD…

Lo việc triển khai, giải ngân

Có thể nói, việc các dự án FDI tăng trở lại là một tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế. Bởi lẽ, đầu tư FDI có tác động tích cực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành trong nền kinh tế cũng như cơ cấu nội bộ từng ngành. Đồng thời góp phần thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ cả về máy móc, thiết bị, tri thức và kinh nghiệm quản lý, từ đó có ảnh hưởng nhất định trong việc cải thiện trình độ công nghệ trong nước. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn góp phần tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động…

Tuy nhiên, có một điều không ít người băn khoăn hiện nay là liệu những dự án đầu tư FDI sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ đầu tư có đủ năng lực để triển khai dự án như đã cam kết và việc giải ngân nguồn vốn thực hiện dự án như thế nào trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư tại hội nghị tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài diễn ra vừa qua cho thấy, tỷ lệ dự án giải thể trước thời hạn, dự án xin giãn tiến độ, các dự án chậm triển khai, các dự án có nhà đầu tư bỏ trốn (khoảng 1.000 doanh nghiệp) tương đối cao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn thấp, chiếm 47% tổng vốn đăng ký.

Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới. Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh một số nguyên tắc phân cấp đầu tư: đối với các dự án có quy mô lớn, có tác động xã hội, cần thêm quy định về việc các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư bắt buộc phải xem xét, đánh giá về năng lực tài chính của nhà đầu tư, gồm cả các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ triển khai dự án đúng tiến độ. Đối với các dự án đầu tư nước ngoài khai thác khoáng sản, việc chọn nhà đầu tư phải gắn khai thác với chế biến sâu, tạo ra giá trị gia tăng cao bằng việc sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại để sử dụng nguồn tài nguyên có hiệu quả. Nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước sau cấp giấy chứng nhận đầu tư. Theo đó, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, nối mạng với cơ quan trung ương, địa phương, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tập trung hỗ trợ các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư…

Với hàng loạt giải pháp mới kỳ vọng tình hình triển khai và giải ngân vốn đầu tư FDI sẽ có chuyển biến tích cực.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20-4, cả nước có 341 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 4,9 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2012 và 121 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 3,34 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2013, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 8,219 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2012.

ĐÌNH LÝ (SGGP)

Bình luận (0)