Y tế - Văn hóa

Việt Nam tiếp tục có thêm vắc-xin mới phòng 23 chủng phế cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 2882024, Hệ thống tiêm chủng VNVC chính thức đưa vào tiêm chủng vắc-xin mới phòng 23 chủng vi khuẩn phế cầu gây ra các bệnh lý nghiêm trọng như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi kèm nhiễm trùng huyết và viêm phổi mắc phải tại cộng đồng.

 

Vắc-xin phế cầu 23 do hãng dược phẩm MSD (Mỹ) sản xuất hiện đã có mặt ở gần 50 quốc gia trên thế giới, tuy nhiên đây là lần đầu tiên người dân Việt Nam có cơ hội được tiêm vắc-xin này.

Vợ chồng bà Phan Thị Bê và ông Hoàng Gia Tộ tiêm vắc-xin phế cầu 23 tại VNVC

Vắc-xin dành cho trẻ em từ 2 tuổi và người lớn, đặc biệt hiệu quả cao ở người cao tuổi có bệnh nền; người suy giảm chức năng hô hấp do từng mắc Covid-19 như ho kéo dài, khan tiếng, khó thở, thở mệt, viêm phế quản; nhóm đối tượng nguy cơ cao (người trên 65 tuổi, người suy giảm miễn dịch như mắc bệnh HIV, ung thư, bất thường chức năng lách, cắt lách, bệnh hồng cầu hình liềm, suy thận mạn, hội chứng thận hư, người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch…).

Sự kiện Hệ thống tiêm chủng VNVC đưa vào tiêm chủng thêm một loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này đặc biệt có ý nghĩa khi cả nước đang hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tiêm vắc-xin đầy đủ cho trẻ em và người lớn “coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng” trong bối cảnh nhiều bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, TP.HCM vừa công bố dịch sởi trong khi hàng triệu trẻ em sắp quay trở lại trường học. Do đó, việc có đầy đủ các loại vắc-xin, số lượng lớn và chi phí ưu đãi sẽ giúp người dân có nhiều cơ hội được sớm tiêm chủng vắc-xin, kịp thời phòng bệnh.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Trọng Giáo – Giám đốc Y khoa, Công ty MSD Việt Nam cho biết các bệnh lý nguy hiểm do phế cầu gây ra như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết là vấn đề sức khỏe toàn cầu.

Trẻ em và người lớn rất cần tiêm vắc-xin sớm và đầy đủ các loại vắc-xin phế cầu để bảo vệ toàn diện khỏi hàng chục chủng phế cầu khuẩn thường gặp và nguy hiểm tại Việt Nam

Theo số liệu thống kê, trong năm 2021, có gần 9,8 triệu người mắc các bệnh lý phế cầu, nguy cơ tử vong lên đến 25% ngay cả khi được điều trị và sử dụng kháng sinh hợp lý. Theo WHO, trẻ em và người cao tuổi ở các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, ước tính mỗi năm có 1 triệu trẻ tử vong do phế cầu.

“Vắc-xin phế cầu MSD vừa được cấp phép tại Việt Nam giúp tạo miễn dịch chủ động phòng ngừa viêm phổi và bệnh lý xâm lấn do phế cầu như viêm màng não, nhiễm trùng huyết do 23 tuýp huyết thanh phổ biến cho người có nguy cơ nhiễm bệnh từ 2 tuổi trở lên và không giới hạn độ tuổi với người lớn”, ông Giáo nói.

Theo BS Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, phế cầu khuẩn thường trú trong hầu họng của mỗi người mà không gây ra bệnh còn gọi là người lành mang trùng. Khi cơ thể suy giảm miễn dịch hoặc gặp vấn đề sức khỏe, chúng sẽ nhân cơ hội tấn công vào các bộ phận như não, phổi, máu… và gây bệnh. Vi khuẩn phế cầu có thể lây sang cho người khác qua giọt bắn từ đường hô hấp của người bệnh, người lành mang trùng.

Trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ là nguồn lây chính của vi khuẩn phế cầu, có thể dao động từ 27-85%. Trẻ em hoặc người lớn mang vi khuẩn phế cầu có thể không biểu hiện triệu chứng là nguồn lây tiềm ẩn cho cộng đồng. Tại Việt Nam, chi phí trung bình cho mỗi bệnh nhân mắc các bệnh do phế cầu lên đến hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng, chưa kể chi phí chăm sóc người bệnh lâu dài sau điều trị.

Việc tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng phế cầu giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh và tử vong ở những đối tượng này, lịch tiêm vắc-xin tùy theo độ tuổi và lịch sử chủng ngừa.

“Trẻ em và người lớn rất cần tiêm vắc-xin sớm và đầy đủ các loại vắc-xin phế cầu để bảo vệ toàn diện khỏi hàng chục chủng phế cầu khuẩn thường gặp và nguy hiểm tại Việt Nam. Tiêm vắc-xin phế cầu đầy đủ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm tỷ lệ nhập viện, ngăn ngừa biến chứng nặng do phế cầu gây ra, đặc biệt ở nhóm trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh nền vì có nguy cơ cao mắc các biến chứng nghiêm trọng, tăng tỉ lệ nhập viện, kéo dài thời gian điều trị và tăng chi phí điều trị”, bác sĩ Chính khuyến cáo.

N.Trinh

Bình luận (0)