Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Việt Nam – Tổ quốc nhìn từ biển”: Đầy tâm huyết, tự hào

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ phim đã nêu bật những căn cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định và bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với biển, đảo; đặc biệt là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Bộ phim tài liệu "Việt Nam – Tổ quốc nhìn từ biển" do Hãng phim Tài liệu và Điện ảnh Nhân Dân (Báo Nhân Dân) sản xuất sẽ phát sóng trên các kênh truyền hình toàn quốc từ ngày 1-12, đúng vào dịp 40 năm ra đời Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc và 10 năm Luật Biển Việt Nam.

Chủ quyền thiêng liêng

Theo nhà báo Nguyễn Lê Anh, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Điện ảnh Nhân Dân, Tổng đạo diễn phim tài liệu "Việt Nam – Tổ quốc nhìn từ biển", trong lần đi tìm tư liệu để thực hiện bộ phim "Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh – Biên niên sử truyền hình", nhóm làm phim đã tìm thấy nhiều tư liệu, tài liệu quý về việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam được lưu trữ khá cẩn thận ở các thư viện, trung tâm lưu trữ. Do vậy Hãng phim Tài liệu và Điện ảnh Nhân Dân quyết định thực hiện một bộ phim tổng thể, toàn diện về biển, đảo Tổ quốc.

"Bộ phim tài liệu "Việt Nam – Tổ quốc nhìn từ biển" có 3 nội dung chính: "Khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam", "Phát triển kinh tế biển", "Đời sống văn hóa biển, đảo". Tổng cộng 40 tập, thời lượng 25-30 phút/tập" – nhà báo Nguyễn Lê Anh thông tin.

Việt Nam - Tổ quốc nhìn từ biển: Đầy tâm huyết, tự hào - Ảnh 1.

Một cảnh trong bộ phim tài liệu “Việt Nam – Tổ quốc nhìn từ biển”. Ảnh do Hãng phim Tài liệu và Điện ảnh Nhân Dân cung cấp

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét đây là một tác phẩm nghệ thuật giá trị: "Nếu Báo Người Lao Động có chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc", trao tặng hàng triệu lá cờ cho ngư dân, đồng bào và chiến sĩ vùng biên giới, các đơn vị, địa phương, lực lượng vũ trang… thì "Việt Nam – Tổ quốc nhìn từ biển" là một tác phẩm một lần nữa khẳng định niềm kiêu hãnh của người Việt Nam về chủ quyền biển đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc ta".

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, bộ phim "Việt Nam – Tổ quốc nhìn từ biển" đã phản ánh khá toàn diện, có hệ thống, khách quan, phong phú, mở rộng nhiều chiều, nhiều góc nhìn sâu sắc các vấn đề về biển, đảo Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại. Qua đó nêu rõ vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo trong đời sống người dân Việt từ xa xưa cũng như ngày nay. Bộ phim đã nêu bật những căn cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định và bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với biển, đảo, đặc biệt là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Làm nền tảng, tạo cảm hứng cho giới nghệ sĩ

Đoàn làm phim "Việt Nam – Tổ quốc nhìn từ biển" cho biết trong quá trình khai thác tư liệu, đoàn đã tìm được một bản đồ Việt Nam từ thời Nguyễn do các nhà truyền giáo vẽ, hiện đang được lưu giữ tại Hà Lan. Khi tham khảo các thư viện ở Mỹ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp…, đoàn làm phim cũng ghi nhận nhiều thông tin của các nhà truyền giáo, nhà buôn tại khu vực biển, đảo Việt Nam.

"Từ những thông tin quý giá này, chúng tôi quyết định làm đậm thêm nội dung chủ quyền biển, đảo Việt Nam qua góc nhìn văn hóa, kinh tế" – đạo diễn Nguyễn Lê Anh cho biết thêm.

"Làng nghề sống ven biển là một cột mốc chủ quyền sinh động nhất mà không ai có thể phủ nhận, vì có an cư mới lạc nghiệp, việc sinh sống theo quần thể với những làng nghề hình thành nên đời sống của ngư dân ven biển, trên đảo, đã khẳng định vùng trời, biển đảo, thềm lục địa là của đất nước Việt Nam" – nhà sử học Nguyễn Đình Tư nhấn mạnh.

Trong khi đó, NSND Trần Minh Ngọc nêu ý kiến: "Văn hóa biển, đảo góp phần khẳng định chủ quyền, thí dụ như ngôi chùa trên một hòn đảo ở Trường Sa, được xây dựng từ thời Nguyễn Ánh. Bộ phim "Việt Nam – Tổ quốc nhìn từ biển" là một góc nhìn tổng quát ghi nhận những công lao to lớn của các vua chúa thời Nguyễn trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền và xây dựng văn hóa, trong đó có văn hóa biển, đảo".

NSND Trần Minh Ngọc kỳ vọng rằng bộ phim giá trị này sẽ truyền cảm hứng cho nhiều lĩnh vực nghệ thuật để giới nghệ sĩ dựa vào đó mà cho ra đời những tác phẩm hay về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc".

NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, bày tỏ: “Giới văn học nghệ thuật cả nước rất tự hào về tác phẩm này, những chứng cứ khẳng định chủ quyền biển đảo có từ thời Lý, Trần…, đặc biệt là dưới thời Nguyễn. Việc khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo này được những người con đất Việt gìn giữ và tiếp nối thành truyền thống qua nhiều thời kỳ, dưới nhiều thể chế khác nhau. Tin rằng từ đây sẽ lan tỏa đến những tác giả sân khấu để họ có những tư liệu, chất liệu chính xác mà viết nên tác phẩm ca ngợi niềm tự hào thiêng liêng không có gì lay chuyển được về chủ quyền biển, đảo của dân tộc ta”.


Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Bình luận (0)