Vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam (đại diện cho Chính phủ Việt Nam) và Bộ Lao động Thái Lan (đại diện cho Chính phủ Thái Lan) đã ký bản ghi nhớ về hợp tác lao động và thỏa thuận về phái cử, tiếp nhận lao động giữa hai nước. Nội dung của bản ghi nhớ về hợp tác lao động gồm 9 điều quy định mục đích của việc ký kết bản ghi nhớ hợp tác, những lĩnh vực hợp tác cụ thể trong lĩnh vực lao động, phương thức và nguyên tắc hợp tác. Cụ thể, việc hợp tác có thể được thực hiện thông các phương thức khác nhau như trao đổi cách thức thực hiện và thông tin một cách tốt nhất, trao đổi chuyên gia, tham gia dự án, hội thảo và đối thoại… Trong khi đó, thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động (gồm 15 điều) là khung pháp lý để lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan, cũng như lao động Thái Lan sang làm việc tại Việt Nam một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật hai nước.
Được biết, Thái Lan hiện đang thiếu hụt lao động có chuyên môn và tay nghề cũng như lao động phổ thông ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xây dựng, lao động kỹ thuật cao. Do nguồn cung lao động trong nước không đáp ứng được trong một số ngành nên nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài rất lớn. Cụ thể, nước này đã thu hút một số lượng lớn người lao động trong lĩnh vực quản lý và lao động lành nghề từ một loạt các quốc gia trên thế giới. Tính đến tháng 3-2010, đã có 100.338 lao động chuyên nghiệp và lành nghề được cấp giấy phép lao động ở Thái Lan. Nhật Bản đứng đầu danh sách với 23.060 giấy phép lao động. Tiếp đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Anh, Bắc Ireland và Hoa Kỳ…
PV
Bình luận (0)