Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Sự kiện giáo dụcTin tức

Việt Nam xếp hạng 10 thế giới về công suất điện gió ngoài khơi

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2021, công suất điện gió ngoài khơi đã hoạt động của Việt Nam xếp thứ 10 trên thế giới, gần bằng Hàn Quốc và hơn gần 20% so với Nhật Bản thấp hơn 1/2 của Đài Loan – một trong những thị trường đang phát triển nhanh nhất thế giới trong ngành này.

Báo cáo tháng 2/2022 của Diễn đàn Điện gió Ngoài khơi Toàn cầu WFO

Báo cáo tháng 2/2022 của Diễn đàn Điện gió Ngoài khơi Toàn cầu WFO

Đó là một trong những thông tin chính từ báo cáo tháng 2/2022 vừa được Diễn đàn Điện gió Ngoài khơi Toàn cầu (WFO – World Forum Offshore Wind) công bố. Theo báo cáo này, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về công suất điện gió ngoài khơi đã hoạt động, lên đến 19.747 MW, bỏ xa vị trí thứ nhì của Vương quốc Anh (12.281 MW) và thứ ba của Đức (7.701 MW).

Xếp từ thứ tư đến thứ chín lần lượt là Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ, Đài Loan, Thụy Điển, Hàn Quốc (xem hình thứ hạng). Việt Nam đứng thứ 10 với công suất phát là 99 MW, Nhật Bản thứ 11 với 85 MW; tiếp đó là Phần Lan, Mỹ, Bồ Đào Nha, Ireland, Na Uy, Tây Ban Nha và Pháp.
Từ hạng 1 đến 18 trong báo cáo tháng 2/2022 của Diễn đàn Điện gió Ngoài khơi Toàn cầu
Từ hạng 1 đến 18 trong báo cáo tháng 2/2022 của Diễn đàn Điện gió Ngoài khơi toàn cầu
Đan Mạch tuy dân số chỉ hơn 5,8 triệu nhưng xếp hạng 5 vì có những công ty điện gió tầm cỡ toàn cầu, điển hình là Ørsted. Tại Việt Nam, Ørsted đang hợp tác chiến lược với tập đoàn T&T Group của doanh nhân Đỗ Quang Hiển để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi đầu tư mới tại tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10 GW (1 gigawatt = 1.000 megawatt) và tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD.

Với hơn 3.200 km bờ biển và tốc độ gió ổn định ở mức cao, Việt Nam được đánh giá là có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió ngoài khơi. Theo Ngân hàng Thế giới, ước tính tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam là khoảng gần 500 GW. Bên cạnh tiềm năng mang đẳng cấp thế giới này, nhu cầu điện năng ngày càng tăng nhanh của Việt Nam đem đến nhu cầu cấp bách trong việc phát triển năng lượng tái tạo có quy mô lớn trong những thập kỷ tới.

Việt Nam đặt mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) đến năm 2050, do đó cả nền kinh tế đang phát triển năng lượng tái tạo một cách mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu này. Trong đó, điện gió ngoài khơi là một trong những nguồn quan trọng được hy vọng giúp Việt Nam đạt được cam kết Net Zero này. Từ 2018, Việt Nam đã nổi lên như một điểm nóng về đầu tư năng lượng tái tạo và năng lượng sạch trong khu vực Đông Nam Á.

Điện gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng tái tạo quan trọng của thế giới

Điện gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng tái tạo quan trọng của thế giới

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam và rất nhiều doanh nghiệp (cả trong nước và nước ngoài) đang cùng tham gia vào “cuộc đua” Net Zero mang tính bước ngoặt lịch sử này. Cụ thể nhất, Quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương đã và đang thể hiện rõ quan điểm xuyên suốt theo cam kết của Chính phủ, là kiên định với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để tiếp thu ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Bộ Công Thương cho biết trong quá trình này sẽ tiếp tục bám sát để có lộ trình phù hợp thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường. Bộ đang nghiên cứu các cơ chế, chính sách, giải pháp để sử dụng hiệu quả, hợp lý hơn nguồn năng lượng mặt trời; và sẽ có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi.

Theo Tường Thụy/PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)