Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Việt Nam xếp hạng 41 về kỹ năng tiếng Anh toàn cầu

Tạp Chí Giáo Dục

So với năm 2017, Việt Nam tụt bảy bậc nhưng chuyên gia cho rằng mức độ thành thạo tiếng Anh của Việt Nam vẫn giữ vững.

Bảng xếp hạng đánh giá kỹ năng tiếng Anh của người trưởng thành trên toàn cầu (EF EPI) được EF Education First công bố tại Hà Nội ngày 14/11 cho thấy Việt Nam thuộc nhóm trung bình về trình độ tiếng Anh, đạt 53,12 điểm và xếp thứ 41 trong 88 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Báo cáo đánh giá trên phạm vi 5 thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. Năm ngoái, Việt Nam đạt 53,43 điểm EPI, xếp thứ 34 trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo báo cáo, giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Việt Nam có sự tăng trưởng rõ rệt ở mức độ thành thạo Anh ngữ. Riêng năm 2018, xét theo từng địa phương, Hà Nội và TP HCM có năng lực tiếng Anh tốt nhất. Điểm EPI của hai thành phố này lần lượt là 55,82 và 55,08, cao hơn một chút so với năm ngoái. Ở phạm vi khu vực, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng có chỉ số cao hơn các vùng còn lại.

Ông Minh N.Tran (Đại học Yale), Giám đốc Nghiên cứu cấp cao của EF, cho biết thứ hạng năm nay của Việt Nam giảm 7 bậc nhưng xét trên tổng số quốc gia tham dự lớn hơn, có thể đánh giá mức độ thành thạo tiếng Anh của Việt Nam giữ vững trong năm qua.

Điểm đánh giá năng lực tiếng Anh theo giới tính.

Điểm đánh giá năng lực tiếng Anh theo giới tính.

Thụy Điển dẫn đầu, Singapore là quốc gia châu Á duy nhất lọt top 3

Thụy Điển có chỉ số EPI cao nhất với 70,72 điểm. Hà Lan xếp thứ hai với số điểm thấp hơn 0,41. Đặc biệt, Singapore đã vươn từ vị trí thứ 5 năm ngoái lên thứ 3 với tổng điểm 68,63. Đây là quốc gia đứng đầu khu vực châu Á về mức độ thành thạo tiếng Anh.

Ông Minh N.Tran nhận định có ba lý do giúp Singapore lọt vào top 3. Thứ nhất là nhờ tầm nhìn của nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu. Ngay khi giữ chức Thủ tướng của Singapore vào năm 1959, ông đã quyết định tất cả người dân Singapore phải nói tiếng Anh và ngay sau đó các trường học ở đảo quốc này đều dạy bằng tiếng Anh thay vì tiếng mẹ đẻ.

Thứ hai là Singapore tập trung đầu tư cho giáo viên. Ở Singapore, các ngành sư phạm chỉ tuyển những người tài năng nhất ở các trường trung học phổ thông. Họ chỉ tuyển học sinh ở top 30% và ngay cả những người trong top này cũng phải cạnh tranh nhau với tỷ lệ khoảng 1 chọi 8 mới có thể vào trường sư phạm. Khi đã theo học ngành này, mọi chi phí đào tạo được chính phủ chi trả.

Thứ ba, Singapore vẫn đang đầu tư, cập nhật chương trình, phương pháp giảng dạy, công nghệ thông tin trong trường lớp dù tiếng Anh đã là ngôn ngữ thông dụng.

"Nhờ ba điều trên, Singapore đạt chỉ số thông thạo tiếng Anh cao. Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Vì quá chăm chú vào tiếng Anh, người dân của họ dần quên đi tiếng mẹ đẻ", ông Minh N.Tran nói và cho biết đến năm 2011, chỉ khoảng 10% học sinh Singapore giỏi hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ.

Ông Minh N. Tran chia sẻ trong buổi công bố bảng xếp hạng kỹ năng tiếng Anh toàn cầu ở Hà Nội sáng 14/11. Ảnh: Dương Tâm

Ông Minh N.Tran chia sẻ trong buổi công bố bảng xếp hạng kỹ năng tiếng Anh toàn cầu ở Hà Nội sáng 14/11. Ảnh: Dương Tâm

Trước chia sẻ của chuyên gia quốc tế, bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú (Hà Nội), chỉ ra những rào cản đối với việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường, gồm việc tuyển dụng giáo viên, ưu đãi đối với nghề giáo, chương trình học tiếng Anh hay điều kiện cơ sở vật chất.

Dù vậy, nhà trường vẫn cố gắng đưa ra những biện pháp để cải thiện khả năng tiếng Anh của cả giáo viên và học sinh, như: liên kết với các trung tâm có thể dạy bổ trợ tiếng Anh, sẵn sàng đón tiếp các đoàn tình nguyện từ nước ngoài, mời giáo viên bản xứ, hay cho học sinh tham gia khóa học hè để nâng cao khả năng ngôn ngữ ở nước ngoài…

Bà Yến cho biết nhà trường đang cố gắng thay đổi nhận thức của phụ huynh để họ đồng hành trong việc học tiếng Anh của con; đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất, thay đổi nhận thức của chính giáo viên để họ hiểu rằng dạy để ứng thí là chưa đủ.

EF Education First thành lập năm 1965, là tổ chức giáo dục lớn nhất thế giới tập trung vào ngôn ngữ, học thuật và trải nghiệm văn hóa. Chỉ số EF EPI (EF English Proficiency Index) dựa trên dữ liệu kiểm tra của những người đã làm Bài kiểm tra Anh ngữ Tiêu chuẩn EF (EF SET), bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa miễn phí đầu tiên trên toàn thế giới.

Năm 2018, chỉ số EF EPI được đưa ra dựa trên cơ sở dữ liệu 1,3 triệu người tham gia bài kiểm tra EF SET. Việt Nam có hàng chục nghìn người tham gia trên tinh thần tự nguyện.

Dương Tâm/Vnexpress

Bình luận (0)