Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Việt Nam yêu cầu không thả Pokemon khu vực nhạy cảm

Tạp Chí Giáo Dục

Việt Nam yêu cầu không thả Pokemon ở khu vực nhạy cảm, gồm cả các khu vực gây nguy hiểm như đường cao tốc, khu vực có qui định riêng về trang phục như đền thờ, chùa, di tích lịch sử… 

Người chơi dùng bản đồ định vị GPS trên smartphone để tìm vị trí các loại thú cưng Pokémon trú ẩn và bắt chúng – Ảnh: The Guardian

Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang chuẩn bị văn bản để gửi yêu cầu tới nhà cung cấp dịch vụ game Pokemon Go. 

Văn bản sẽ yêu cầu nhà sản xuất và phát hành game Pokemon Go phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam bảo đảm trò chơi này không gây tác hại với xã hội.

Trong đó, văn bản yêu cầu không thả Pokemon ở khu vực nhạy cảm, gồm cả các khu vực gây nguy hiểm như đường cao tốc, các khu vực có qui định riêng về trang phục bắt buộc như đền thờ, chùa, di tích lịch sử…

Đồng thời yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ game Pokemon tuân thủ pháp luật Việt Nam và bảo đảm quyền lợi và an toàn cho người chơi, nhất là an toàn thông tin.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Bộ TT-TT sẽ sớm gửi văn bản này đến các công ty liên quan đến trò chơi đang gây sốt ở Việt Nam hiện nay.

Đồng thời Bộ cũng đã tham khảo kinh nghiệm và thông tin của nhiều nước đã phát hành trò chơi này để ban hành một bản khuyến nghị về chơi game Pokemon Go.

Trong đó, trước hết sẽ khuyến nghị người chơi phải cẩn trọng bảo vệ quyền lợi của mình, cân nhắc khi chơi vì đây là trò chơi chưa được pháp luật bảo hộ, lưu ý thận trọng đối với nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân.

Người chơi cần chú ý không chơi ở những khu vực cấm, khu vực nhạy cảm, nguy hiểm, không chơi khi tham gia giao thông…  

Người chơi cũng cần cẩn trọng khi cài đặt phần mềm, đặc biệt là phần mềm không rõ nguồn gốc để hỗ trợ cho game này vì sẽ có nguy cơ dẫn đến nguy cơ phát tán mã độc.

Ông Tự Do cho biết thêm: “Cuối cùng, là khuyến nghị đối với cán bộ công chức không được chơi Pokemon Go trong giờ làm việc. Thực ra qui định không chơi game trong giờ làm việc đã có quy trình rồi, trong khuyến nghị  này chỉ nhắc lại”.

“Hiện nay đối với các công ty phát hành game online như Apple, Google, Microsoft… chúng tôi đã có liên hệ phối hợp chặt chẽ trong nhiều game.

Họ có văn bản chính thức trả lời sẽ phối hợp xử lý nếu game vi phạm pháp luật Việt Nam. Chúng tôi sẽ đề nghị gỡ bỏ nếu game vi phạm pháp luật Việt Nam” – Ông Do nhấn mạnh.

 

THANH HÀ/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)