Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Viết sách giáo khoa: Bộ Giáo dục – Đào tạo không nên độc quyền

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, nhóm biên soạn sách Cánh Buồm đã tổ chức Hội thảo để kiểm nghiệm lại bộ sách giáo khoa thử nghiệm "Chào lớp 1” (hay còn gọi là bộ sách Cánh buồm) ra đời cách đây 1 năm. Chưa thể khẳng định tính thích ứng hay nội dung bộ sách có phù hợp hay không, nhưng đây được xem là bước khởi đầu của lý thuyết do GS Phan Đình Diệu đưa ra: "SGK có thể không chỉ duy nhất một bộ, nhưng đều có thể dùng chung được”.
Thay đổi tư duy về SGK
Cách đây 3 năm, GS Phan Đình Diệu (Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học và giáo dục-UBTƯ MTTQ Việt Nam) đã từng phát biểu với Đại Đoàn Kết: Theo tôi, nên thành lập các Hội đồng thẩm định SGK nhằm nghiên cứu, thực nghiệm dựa trên sự đóng góp thảo luận và thống nhất của các nhà giáo, giảng viên, nhà sư phạm, để đưa ra một chương trình có nội dung chuẩn. Trên "khung” chương trình đó, nhóm tham gia viết SGK sẽ bổ sung những kinh nghiệm của mình. Trên cơ sở đó, rất có thể mọi người được quyền viết SGK và mỗi môn học sẽ có nhiều SGK; nhưng đều có thể dùng chung được, vì đã được Hội đồng thẩm định kỹ lưỡng, đánh giá là đạt chuẩn theo "khung chương trình”. Điều đó tránh được tình trạng SGK bị lỗi biên soạn, sai kiến thức cơ bản và thay sách hàng năm, tránh được lãng phí và tốn kém.
Là một trong những giáo sư tâm huyết và có tầm ảnh hưởng lớn đối với sự nghiệp đổi mới, chấn hưng nền giáo dục nước nhà, từ lâu GS Phan Đình Diệu đã khẳng định "Đổi mới giáo dục: cần phải có sự cải cách toàn diện”. Sự cải cách toàn diện đó, vừa qua đã được nhấn mạnh trong định hướng phát triển chiến lược của Bộ GD&ĐT (theo Nghị quyết Đại hội Đảng khoá XVI đã đề ra).
Theo GS Phan Đình Diệu, điều quan trọng là phải thành lập Hội đồng thẩm định sách cấp quốc gia, việc này do Bộ GD&ĐT chủ trì, sẽ hạn chế việc "loạn” thị trường sách tham khảo, nhất là khi kiến thức, nội dung loại sách này còn đang "thả nổi”. Theo nguyên tắc, sách tham khảo không được nằm trong "khung” bắt buộc của giáo trình giảng dạy, bởi vậy khi ra đề thi không được chênh ra khỏi giáo trình chuẩn, như lấy kiến thức từ một cuốn sách tham khảo nào đó. Hiện nay, sách tham khảo không giới hạn đối tượng người viết. Tuy nhiên Hội đồng thẩm định có quyền đưa ra khuyến cáo, định hướng, đặc biệt đối với sách dùng trong các nhà trường.
Trở lại bộ sách "Chào lớp 1” do nhóm Cánh buồm có nhiều năm tâm huyết biên soạn xây dựng nên, GS Vũ Thế Khôi (con trai trưởng GS Vũ Đình Hoè) cho rằng: "Tôi tin sẽ còn nhiều bộ SGK khác nữa cạnh tranh với sách của Cánh Buồm”. Ông nói: "Bộ chỉ nên đặt ra chuẩn cho từng cấp học. Cần phải có nhiều bộ SGK khác, như thế sẽ tăng tính cạnh tranh. Bộ không nên "vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tức là vừa đặt ra chuẩn, vừa biên soạn sách như hiện nay.
Sách "Cánh buồm” mới nhưng chưa đủ
Nhà giáo Phạm Toàn và nhóm "Cánh Buồm” do ông tổ chức đã tâm huyết xây dựng nên bộ sách mang tiêu chí "Tự học-Tự giáo dục” trên tinh thần cầu thị "dành cho xã hội kiểm duyệt”. Bộ sách gồm 14 cuốn, riêng hai môn Văn và Tiếng Việt được hoàn thiện từ lớp 1 đến lớp 4; mỗi môn Khoa học-Công nghệ, Lối sống, Tiếng Anh, Tin học gồm hai cuốn lớp 1 và lớp 2. Nhà giáo Phạm Toàn cho biết trang bìa mỗi cuốn SGK, nhóm "Cánh buồm” đều có tên riêng như sách lớp Một (học văn) có tên: "Đồng cảm-trò chơi đóng vai”, lớp Hai: "Tưởng tượng-làm ra một hình tượng”. Tương tự, lớp Ba sách học Văn là: "Liên tưởng-Tạo ra một ý”; Lớp Bốn: "Bố cục-Tạo ra một chủ đề”… Bên cạnh tên gọi mang tính "hàn lâm” là một tên gọi nôm na hơn, coi như phần diễn giải thuật ngữ. "Để người dùng sách nào cũng hiểu được mục tiêu học tập và cách thực hiện mục tiêu đó”.
Giáo viên Đinh Phương Thảo, người tham gia dạy thử nghiệm SGK Cánh buồm tại trường tiểu học dân lập Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) cho biết: "Các em học sinh khi tiếp cận với sách, sẽ hiểu được các khái niệm dễ dàng. Ví dụ, tiếp cận theo kiểu người lớn thì học sinh lớp Một làm sao hiểu khái niệm "cá nhân” và "tập thể”. Cách làm của Cánh buồm là khi học môn Lối sống ở lớp 1 và lớp 2, tiết hình thành khái niệm và các tiết luyện tập sẽ được tiến hành bằng các việc làm như "Ba em cùng vẽ một bức tranh”, "Hai em cùng dùng đầu giữ bóng”… Sau khi tham gia các hoạt động đó các em hiểu rằng như thế nào là "một mình”, như thế nào là "tập thể”, muốn hòa nhập vào tập thể thì phải hiểu ý nhau… Nhiều lý thuyết giáo dục đã được đơn giản và cụ thể hoá qua bộ sách như đưa ra khái niệm "Em đã lớn-em cần sống tự lập”; các em sẽ tự nhận thức được bài học, không cần học thêm mà cũng không cần giảm tải. "Học trò có thể học được bất cứ điều gì, nếu chúng ta… biết cách dạy” – Đây là ý tưởng của GS. Hồ Ngọc Đại mà nhóm viết sách Cánh buồm đã vận dụng khá hợp lý và logic.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, bộ sách Cánh buồm có nhiều ý tưởng mới lạ, sáng tạo, có sức lôi cuốn, có tác dụng tốt đối với trẻ em, nhưng chưa đủ. Vì theo triết lý căn bản về giáo dục, việc cải cách toàn diện nền giáo dục hiện nay phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bộ sách trên vẫn đơn thuần là cách nghĩ, cách làm mới, nhưng chưa thể đáp ứng đòi hỏi của xu thế xã hội yêu cầu. Nhưng dù sao đi nữa, điều đó cũng mở ra một xu hướng mới: cải cách toàn diện hệ thống giáo dục cần phải bắt đầu từ những bước đột phá mạnh mẽ. Mà trước tiên, là phải mạnh dạn xoá đi những yếu tố độc quyền, lối mòn đã cũ. Về khía cạnh này, GS Phan Đình Diệu phản biện: "Mọi người đều được quyền viết SGK và mỗi môn học sẽ có nhiều SGK; nhưng đều có thể dùng chung được”
Theo Hoàng Anh Thắng
(daidoanket)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)