Đọc bài “Viết tay trái hay tay phải thì tốt cho trẻ?” (Giáo dục TP.HCM ngày 26-7), tôi nghiệm lại trong công tác giảng dạy và quản lý giáo dục trên 30 năm của mình, họa hoằn lắm tôi mới thấy có em học sinh viết bằng tay trái, các trường hợp này xảy ra ở học sinh mới vào lớp 1. Theo tôi, hiện tượng viết tay trái chỉ là cá biệt, nhưng để thuận tiện cho học sinh trong việc phát triển thể chất, trí tuệ, nhất là viết chữ, tôi cứ để các em viết bình thường bằng tay trái. Tuy nhiên, trong quá trình dạy học, giáo viên rất “khổ” với những học sinh thuận tay trái vì nếu em xếp ngồi chung bàn với em thuận tay phải sẽ “chỏi” nhau khi viết bài (điều này chúng ta dễ thấy trong sinh hoạt hàng ngày như trong bàn tiệc có người cầm đũa thuận tay trái ngồi gần người cầm đũa thuận tay phải sẽ khó thoải mái khi gắp đồ ăn, vì cứ bị chỏi nhau). Vì thế khi giáo viên gặp học sinh thuận tay trái đều khuyến khích các em cầm viết bằng tay phải để các em thuận tiện hơn trong học tập và trong sinh hoạt hàng ngày. Tôi có anh bạn hiện làm giám đốc một trung tâm GDTX có thói quen dùng tay trái trong mọi chuyện từ cầm đũa ăn cơm đến chơi thể thao (đánh bóng bàn, đánh cầu lông…), nhưng đặc biệt khi viết chữ thì anh viết bằng tay phải. Giải thích chuyện này, anh cho biết khi vào học lớp 1, anh được cô giáo nhắc nhở, động viên cầm bút và tập viết từ tay trái chuyển sang tay phải cho bản thân thuận lợi trong học tập. Rèn luyện lâu ngày nên trở thành thói quen.
Chuyện học sinh viết bằng tay trái trong nhà trường không cấm, cũng không động viên học sinh viết bằng tay trái chuyển sang viết bằng tay phải vì đó chỉ là hiện tượng cá biệt. Bản thân các em sẽ biết điều chỉnh viết bằng tay nào cho thích hợp vì thực tế có em viết cả 2 tay chữ vẫn đẹp như nhau.
Trần Văn Tám
(Trường TH Trung Lập Hạ,
huyện Củ Chi, TP.HCM)
Bình luận (0)