Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Viết tiếp bài “7 điểm lưu ý về chương trình mới môn văn” (ngày 14-3): Cảm nhận về nội dung “đọc”

Tạp Chí Giáo Dục

D tho chương trình giáo dc ph thông mi môn ng văn (đưc B GD-ĐT gii thiu ngày 19-1-2018) nhìn chung có mt s ci tiến vi nhiu n lc đ nâng cao năng lc nghe, nói, đc, viết, cm th tiếng Vit và các văn bn tiếng Vit t lp 1 đến lp 12.

Hc sinh tiu hc đc sách ti thư vin trưng. Ảnh: N.Trinh

Đánh giá toàn diện về chương trình môn ngữ văn mới ở các nội dung, ở nhiều bậc học và nhiều kỹ năng khó có thể thực hiện được trong một bài báo. Nhưng nhìn tổng quan, chỉ riêng về phần “đọc”, chúng tôi có thể đưa ra một số nhận xét sau:

Thứ nhất, có những đòi hỏi tương đối phù hợp về kỹ thuật đọc. Thí dụ, học sinh (HS) lớp 1 được yêu cầu “đọc đúng âm, vần, tiếng, từ, câu”, “đọc đúng và rõ ràng đoạn văn hoặc văn bản ngắn”, “bước đầu biết đọc thầm”… Những yêu cầu này mang tính căn bản của HS lớp 1 và với một HS có năng lực bình thường, không cần phải học trước hay học thêm, qua đầu học kỳ II thì đều đáp ứng được. Nhưng trên thực tế, thời gian qua, do cách dạy chưa phù hợp, có không ít trường hợp HS lên lớp 3, lớp 4 vẫn chưa thực hiện được các kỹ thuật đọc này. Do đó, thực hiện chương trình dạy mới, bắt buộc giáo viên phải chú ý đầy đủ yêu cầu này và phải chấp nhận cho HS ở lại lớp nếu các em chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thứ hai, giúp HS có thể hiểu được nội dung và hình thức của văn bản. Thí dụ, HS lớp 2 được yêu cầu “bước đầu phân biệt được ngôn ngữ nhân vật trong đối thoại và ngôn ngữ người dẫn chuyện”, “nhận biết được bìa sách, tranh minh họa, tên sách, tên tác giả, nhà xuất bản”, “biết điền vào phiếu đọc sách những thông tin quan trọng về sách tự đọc”… Với việc đáp ứng được yêu cầu này, HS có thể tự đọc sách được, nhất là sách văn học, cơ bản hiểu được thái độ, tình cảm và cách thức biểu lộ của các nhân vật, cũng như bước đầu nắm bắt được cốt truyện, ý chính.

Thứ ba, giúp HS có thể liên hệ, so sánh, mở rộng, vận dụng từ việc đọc. Thí dụ, HS lớp 3 được yêu cầu “dựa vào gợi ý, hiểu được ý nghĩa hay bài học được rút ra từ văn bản có một chủ đề”, “nhận biết được hình dáng, điệu bộ, hành động, suy nghĩ của nhân vật; đóng vai diễn tả lại điệu bộ, hành động của nhân vật”, “lựa chọn một nhân vật, địa điểm hay sự việc trong tác phẩm, mô tả hoặc vẽ lại được hình ảnh đã lựa chọn”… Tức là, HS cơ bản nắm được nội dung câu chuyện, hiểu được tâm lý nhân vật, có thể dùng các kỹ năng khác để thể hiện được nhân vật…

Thứ tư, bộc lộ được sự cảm thụ cá nhân sau khi đọc. Thí dụ, HS lớp 5 được yêu cầu “nêu được một vài biện pháp nghệ thuật trong câu chuyện, bài thơ mà mình yêu thích nhất và giải thích được vì sao”, tức là cho phép, định hướng HS “cảm” theo sở thích, điều kiện, năng lực của mình, tránh “bắt chước” người khác. Đồng thời, có yêu cầu HS phải thuộc lòng một số đoạn/bài thơ; dù tính chất thuộc lòng không nhiều nhưng nếu làm tốt thì cũng thể hiện một dấu ấn cá nhân nhất định sau khi đọc một tác phẩm, nhất là tác phẩm văn học.

Thứ năm, có dung lượng đọc đáng kể, ở nhiều hình thức văn bản. Xuyên suốt trong chương trình, HS được đòi hỏi đọc khá nhiều, chẳng hạn, HS lớp 8 được yêu cầu đọc mở rộng văn bản văn học với dung lượng khoảng 700 trang/năm, mỗi trang khoảng 340 chữ, gồm cả một số văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng; đọc mở  rộng văn bản nghị luận với dung lượng khoảng 80 trang/năm, mỗi trang khoảng 440 chữ, gồm cả một số văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng; đọc mở rộng văn bản thông tin với dung lượng khoảng 200 trang/năm, mỗi trang khoảng 440 chữ, gồm cả một số văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng… Số lượng này là khá nhiều, bởi kể cả một số giáo viên, có khi cả năm chưa đọc một cuốn sách nào!

Đó có thể xem là mặt tích cực của chương trình, nhưng rõ ràng với các yêu cầu đó, tính khả thi vẫn còn là một dấu hỏi lớn, hoặc phải có một chương trình học với nội dung học thật sự phù hợp, với cố gắng lớn của cả giáo viên và HS.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn một số băn khoăn về chương trình này:

Một là, đã xác định các tác phẩm học trong chương trình thực sự phù hợp (lớp, lứa tuổi, trình tự nhận thức…) và tiêu biểu chưa. Thực tế đã có giáo viên văn cho rằng tác phẩm “Bức thư của thủ lĩnh da đỏ” (Seatle) ở lớp 6 là nặng nề, “Đi bộ ngao du” (trích “Emile hay về giáo dục”, J. Rousseau) là có phần khó đối với HS ở bậc THCS…

Hai là, đòi hỏi một số kỹ năng có vẻ quá sức với lứa tuổi. Chẳng hạn, HS tiểu học được yêu cầu diễn lại điệu bộ của một số nhân vật, vẽ hình dáng một nhân vật nào đó; HS THCS có thể làm được thơ… Xét về tổng quan sự phát triển của một cá nhân, các đòi hỏi như trên là hợp lý, nhưng đi vào từng con người cụ thể thì e không dễ.

Ba là, dung lượng đọc yêu cầu đối với HS dường như chưa xét đến nhu cầu phân ban ở bậc THPT, bởi với HS ban khoa học tự nhiên hay khoa học kỹ thuật sẽ không thể buộc phải đọc nhiều như HS của ban khoa học xã hội. Điều này phải chăng là mâu thuẫn với yêu cầu về hướng nghiệp của chính chương trình giáo dục mới này?

Bốn là, với nhiều yêu cầu cao cho HS như thế thì liệu giáo viên sẽ dạy như thế nào, liệu HS có theo nổi hay không và nhất là chưa thấy gắn gia đình vào việc “đọc” của HS. Trong đó, việc đọc của HS chưa đặt trong sự quan tâm và gắn kết với việc đọc của giáo viên và của phụ huynh để việc đọc trở thành một nhu cầu chung chứ không phải là “gánh nặng” cho HS.

Tóm lại, chỉ riêng nội dung “đọc” của môn ngữ văn đã thấy có đòi hỏi lớn và vì vậy cũng không phải dễ dàng thực hiện được. Do đó, Bộ GD-ĐT cần có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt sách giáo khoa, về mặt nhân sự… để đáp ứng được yêu cầu đó. Nếu thực hiện tốt thì sẽ góp phần đáng kể trong việc nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt, trong giao tiếp và cảm thụ các loại văn bản của những thế hệ người sau này.

Trúc Giang

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)