Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Viết tiếp bài Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ? (ngày 10-10): Vẫn còn chuyện “Con voi chui lọt lỗ kim”

Tạp Chí Giáo Dục

Quy trình giảng dạy, xếp loại học sinh lên lớp, ở lại lớp, xét danh hiệu cho từng học sinh…, không phải một giáo viên làm được mà cả bộ máy giáo dục nhà trường trong từng năm học, không kể đến các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất khi thì toàn diện, khi thì chuyên môn… Ấy vậy mà vẫn cứ để cho một học sinh tại một trường học ở Sóc Trăng – không đọc nổi được tên của mình, nguệch ngoạc khi viết tên mẹ, được lần lượt lên lớp từng năm – hoàn thành hết chương trình bậc tiểu học. Khi đã vào học lớp 6 rồi mới phát hiện để đưa học sinh ấy về lại lớp 1. Chuyện khó tin nhưng có thật ấy không làm cho người ta cười được mà thấy xót xa lẫn cả phẫn nộ với kiểu điều hành và giảng dạy của một ngôi trường đã từng đạt chuẩn quốc gia. Thành ngữ “Con voi chui lọt lỗ kim” tưởng nói đùa cho vui nhưng lại rất sát với trường hợp này.

Để biện minh cho trường hợp này, một số thầy cô trong trường cho rằng trường chạy theo áp lực về thành tích mà ra. Nhưng như thế liệu đã ổn chưa? Theo tôi vẫn có điều đó nhưng chưa ổn. Chả lẽ một ngôi trường đã từng được công nhận chuẩn quốc gia mà không có được một thầy cô nào công tâm với ngành, mà chỉ là những người vô cảm, chỉ nhắm mắt để cho những điều bất cập tồn tại đến 5 năm trời. Theo tôi, sự việc này có điều uẩn khúc bên trong. Khi sự việc phát hiện ra, nhà trường đã đề ra biện pháp “chữa cháy”, nhưng tất cả đã muộn rồi, học sinh ấy không muốn học lại lớp 1, nhà trường và phụ huynh cũng đành bó tay.

Qua câu chuyện này, tôi mong rằng, đây chỉ là hiện tượng hết sức cá biệt, chứ không phải là phần nổi của tảng băng chìm trong ngành giáo dục nước nhà.

Nguyễn Học 

Bình luận (0)