Điểm đã sửa trong bảng điểm gốc (chỗ đánh dấu bên ngoài, điểm ban đầu cả hai đều là 1,5 điểm, sửa thành 7,5)
|
Cô Lâm Thị Trở vẫn không trả lại 5 bài thi cho đoàn thanh tra đối chiếu vì phải giữ lại để làm chứng cứ tố cáo lên cấp trên. Trong quá trình xác minh, đoàn thanh tra phát hiện thêm 3 bài thi nữa cũng được sửa và nâng khống điểm. Điều lạ lùng là trong thời điểm này, 3 bài thi đó đã “biến” mất khỏi phòng văn thư.
Chiều 20-2, ông Lê Hùng Sen, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi đã chủ trì buổi làm việc với nội dung vận động cô Lâm Thị Trở, người phát hiện tiêu cực sửa và nâng khống điểm trả lại bài thi để đối chiếu. Buổi họp liên tịch này theo sự chỉ đạo của ông Võ Văn Tân, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Củ Chi để có kết luận ai sửa điểm và sửa vì mục đích gì.
Thanh tra Phòng GD-ĐT, Bí thư Đảng ủy xã Trung Lập Thượng, Ban giám hiệu, các tổ trưởng bộ môn, Công đoàn… có mặt đầy đủ. Cũng như các buổi làm việc trước, bị đơn là ông Nguyễn Ngọc Bích – người mà cô Trở tố cáo đã sửa điểm lại không có mặt. Ông Phạm Văn Thinh, tổ trưởng tổ toán Trường THCS Trung Lập đề nghị cô Trở bổ sung tang chứng (bài thi và bảng điểm), đồng thời kiến nghị xử lý ông Bích với hai nội dung: Thứ nhất là vô điểm nhầm (theo thừa nhận của thầy Bích – NV); thứ hai: Là một tổ trưởng chuyên môn đã để xảy ra chuyện này. Ông Thinh cũng cho rằng, mấu chốt khó khăn trong việc giải quyết vụ việc là bởi cô Trở không trả lại bài thi.
Ông Võ Văn Hoàn, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Lập cho rằng, sai phạm của Ban thanh tra nhân dân là rất lớn vì đã có đơn cho mượn bài thi! Việc cô Trở đọc điểm kiểm tra môn sử trong giờ GDCD là sai. Nội dung này cô Trở bác ngay trong buổi làm việc: “Thời điểm đó đang vào kết thúc năm học, điểm thi đã hoàn tất và tôi đọc điểm trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm”. Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Trung Lập cho rằng, khi cô Trở phát hiện điểm bị sửa, Ban thanh tra nhân dân cũng có đơn chuyển cho chủ tịch Công đoàn, sau đó phân công cô Trở (cô Trở nằm trong Ban thanh tra nhân dân) mượn bài thi từ văn thư đối chiếu. Đồng thời kiến nghị hiệu trưởng xem xét nhưng hiệu trưởng chưa xem xét vì vậy Ban thanh tra nhân dân không biết phải kiểm điểm về nội dung gì. Bà Võ Hoa Tiên, phụ trách văn thư thừa nhận vì mới nhận công tác, không hiểu quy định của nhà trường trong việc cho mượn bài thi để dẫn đến hậu quả như hôm nay.
Về ý kiến của ông Thinh, ông Lê Hùng Sen nói: “Nếu xử lý thầy Bích được thì chúng tôi đã xử lý rồi. Làm như vậy, thầy Bích sẽ kiện đoàn thanh tra vì căn cứ vô đâu để nói thầy Bích sửa điểm, trong khi bài thi cô Trở vẫn không trả”. Sau khi có ý kiến của liên tịch, ông Sen kết luận: “Lãnh đạo nhà trường có sai trong công tác quản lý; Công đoàn sai khi quản lý Ban thanh tra nhân dân và văn thư cũng sai khi cho mượn bài kiểm tra. Việc cô Trở giữ bài kiểm tra là sai và đề nghị cô trả lại đúng nơi đã mượn và đoàn thanh tra sẽ lập biên bản trước sự chứng kiến của tập thể. Chúng tôi kiên quyết làm sáng tỏ vấn đề nhưng cô Trở không hợp tác (không trả lại bài thi), đoàn thanh tra sẽ gặp rắc rối chứ không phải người phát hiện gặp rắc rối”. Cô Trở nói: “Tôi đã mất niềm tin ở tập thể và cấp trên. Bởi những năm trước, tôi cũng đã phát hiện thầy Bích sửa điểm, sau đó trả lại bài thi nhưng nhà trường giải quyết không thấu đáo, ngược lại còn hỏi tôi chứng cứ đâu? Hiệu trưởng còn dọa sẽ kiện tôi ra tòa. Hơn nữa, nhiều lần tôi đã mang bài thi và bảng điểm chính để đoàn thanh tra đối chiếu nhưng đoàn thanh tra không làm. Tôi không trả lại bài thi là để có chứng cứ khiếu kiện lên cấp trên”.
Sau khi cô Trở phát hiện 5 bài thi được sửa điểm, đoàn thanh tra vào cuộc xác minh thì phát hiện thêm 3 bài nữa nhưng trong thời điểm này, 3 bài thi kia lại “biến” mất. Ông Sen cho biết: “3 bài còn lại đã mất. Chúng tôi sẽ kiểm tra, xác minh xem ai làm mất và mất ở đâu rồi sẽ có hướng xử lý”. Sau gần hai giờ làm việc, ông Sen kết thúc cuộc họp vì cô Trở không trả bài thi. Như vậy, theo chỉ đạo của ông Tân vào buổi họp liên tịch tại huyện ủy hôm 9-2, buổi làm việc ngày 20-2 là buổi giải quyết cuối cùng về phía huyện. Cô Trở có quyền khiếu kiện lên cấp cao hơn theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.
Bài, ảnh: Tuy An
Cô Trở nên trả lại bài kiểm tra
Xung quanh câu chuyện Cô Lâm Thị Trở, giáo viên bộ môn giáo dục công dân (GDCD), đồng thời là GVCN lớp 8A2 năm học (2010-2011), Trường THCS Trung Lập, huyện Củ Chi, TP.HCM gửi đơn đến Báo Giáo Dục TP.HCM phản ánh việc thầy Nguyễn Ngọc Bích (giáo viên, tổ trưởng tổ sử – GDCD) sửa, nâng khống điểm bài kiểm tra.
Sự việc nêu trên đã diễn ra được một thời gian khá dài, tuy nhiên cho đến nay vẫn để lại nhiều bức xúc đối với các em học sinh và những bậc phụ huynh về cách hành xử của những người trong cuộc cũng như hướng giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Việc phát hiện và đấu tranh cho những hành vi tiêu cực (nếu có) xảy ra tại Trường THCS Trung Lập huyện Củ Chi của cô Trở là điều đáng được biểu dương, khen ngợi. Tuy nhiên, cách mà cô Trở muốn đưa sự việc ra để làm sáng tỏ lại chưa thật hợp lý. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm quý báu cần được ghi nhận trong công tác quản lý và cơ chế để người dân thực hiện các quyền dân chủ của mình.
Xét ở góc độ quản lý, nhà trường khi có thông tin phát hiện “biểu hiện” tiêu cực thì trước tiên BGH phải nhanh chóng họp hội đồng, tìm ra sự thật của “biểu hiện” đó và đưa ra cách thức giải quyết đúng trình tự quy định của ngành. Điều quan trọng là thẳng thắn nhìn nhận vào “tiêu cực” (nếu có), không ngại và kiên quyết không tránh né. Theo những thông tin mà báo cung cấp, chúng tôi thấy sự việc không đến nỗi phức tạp và khó giải quyết, vấn đề là các biện pháp cũng như cách thức mà nhà trường giải quyết sự việc chưa thấu đáo, cương quyết nên đã đẩy sự việc đi quá xa, làm ảnh hưởng đến nội bộ rất nhiều. Việc cần làm hiện nay thì các cơ quan cấp trên của trường đã làm và chúng tôi cũng mong rằng cô Trở nên trả lại các bài kiểm tra mà cô đang giữ cho người có thẩm quyền theo đúng trình tự. Việc sai, đúng đã rõ và việc làm của cô khi giữ lại những bài này sẽ gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ việc.
LS. Nguyễn Hữu Thế Trạch
(Đoàn luật sư TP.HCM)
|
Bình luận (0)