LTS: Trên số báo 1.750 (ra ngày 15-4), Giáo dục TP.HCM đã phản ánh tình trạng lao động “nhí” phải làm việc vất vả nhưng chỉ nhận được mức thù lao ít ỏi, thậm chí còn phải làm không công. Việc phải ra đời sớm để kiếm tiền phụ giúp gia đình của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về nhân cách của chúng ra sao? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi đã tìm đến các chuyên gia xã hội học, tâm lý, luật sư… Theo đó, các chuyên gia khẳng định: Trẻ em lao động sớm dễ rơi vào trạng thái tâm lý hoảng loạn…
Lao động trẻ em làm việc tại một trại nuôi cá giống thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM |
Lao động “nhí”: Dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn
Chuyên gia xã hội học Trần Đình Thu cho rằng: Lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm có ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai các em. Việc lạm dụng lao động trẻ em sẽ cản trở việc đến trường, nguy hiểm hơn là làm việc sớm so với tuổi, làm quá giờ không có thời gian nghỉ ngơi sẽ gây tác hại về tinh thần, thể chất và trí tuệ của các em.
Đối tượng dễ tổn thương
Ông Thu chia sẻ: “Lao động trẻ em, dù là trai hay gái cũng là đối tượng dễ tổn thương cần được bảo vệ và chăm sóc. Đó là chưa kể các em đã trải qua một, thậm chí vài lần bị chửi mắng, trừng phạt vô cớ từ người sử dụng lao động. Ở môi trường này, trẻ dễ bị bắt nạt, ép uổng bởi cái gọi là chủ-tớ, xin-cho… Có trường hợp lao động trẻ em sau một thời gian bị bóc lột, bạo lực đã rơi vào trạng thái tâm lý hoảng loạn, ám ảnh, không tin vào bất kỳ ai quanh mình”.
Hậu quả khi lao động sớm mà trẻ phải gánh chịu là rất lớn nhưng trên thực tế… Mặc dù nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tư nhân sử dụng lao động trẻ em, nhưng đoàn thể, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không hề hay biết.
Theo hướng dẫn ngày 25-5-2015 của liên Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế TP.HCM, đội ngũ cộng tác viên trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em có trách nhiệm hợp tác với chính quyền và cán bộ tại phường, xã, thị trấn như: tổ trưởng dân phố, trạm y tế, phụ nữ, thanh niên, giáo viên, công an, nhóm trẻ em nòng cốt… Theo đó, đội ngũ này có nhiệm vụ tham gia và thực hiện các hoạt động lập kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Phát hiện và báo cáo kịp thời các trường hợp bị xâm hại, bóc lột và bạo lực, có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt… “Quy định là vậy nhưng tại một số địa phương, công tác này vẫn còn hình thức, xem nhẹ”, một cộng tác viên bảo vệ và chăm sóc trẻ em Q.Bình Tân thừa nhận.
Hạn chế lao động trẻ em bằng cách nào?
Ông Mã Hoàng Lê, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho rằng, để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, trước hết phải tạo điều kiện để các em được đến trường, tiếp cận nghề phù hợp với năng lực, thể trạng. Kinh phí thực hiện có thể từ nguồn an sinh xã hội của từng địa phương, liên kết đào tạo nghề tại các trường TC-CĐ, trung tâm dạy nghề, mạnh thường quân, các tổ chức phi chính phủ…
Bên cạnh chính sách xã hội, GD-ĐT, luật sư Trần Thảo Uyên (Đoàn luật sư TP.HCM) đề nghị, cần một khái niệm chung thống nhất về trẻ em, lao động trẻ em để có hướng bảo vệ và chăm sóc trẻ em một cách tốt nhất. Bởi: “Hiện nay vẫn chưa có một quy định hay một khái niệm chung nhất về lao động trẻ em, kể cả độ tuổi xác định là trẻ em. Vì vậy, người thực thi chính sách về lao động trẻ em cũng lúng túng, bởi chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Theo đó, điều 1 Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”. Trong khi đó, Bộ luật Lao động lại quy định: “Người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi có khả năng lao động và có ký kết hợp đồng lao động”; hay: “Người lao động trẻ em là người lao động dưới 18 tuổi” (khoản 1, điều 119 Bộ luật Lao động)”, luật sư Trần Thảo Uyên khẳng định.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)