Thực tế hiện nay môn giáo dục công dân đã trang bị được một số kiến thức cơ bản về lý luận chính trị cho học sinh phổ thông qua từng năm học. Tuy nhiên đây chỉ là bề nổi như một yêu cầu bắt buộc của người học chứ không phải là nhu cầu phổ biến và tự nguyện của toàn xã hội.
Một tiết dạy học môn giáo dục công dân rất sinh động của thầy Trần Tuấn Anh (Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi |
Sở dĩ có tình trạng đó là vì, theo chúng tôi, chương trình và nội dung giảng dạy chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội; trong đó có sự phát triển tư duy chính trị. Hiện nay, chương trình và nội dung môn giáo dục công dân còn mang tính giáo huấn, thiếu tính đối thoại, gợi mở, xuất phát từ khối lượng môn học và phương pháp tiếp cận môn học. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ đang bị xem nhẹ do nhận thức xã hội về đào tạo giáo viên lý luận chính trị. Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, vì thế người học cần được học những gì thực sự bổ ích, đáp ứng nhu cầu mở rộng tri thức và phương pháp luận khoa học để xử lý một cách có hiệu quả những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn và nhận thức. Tuy nhiên suốt nhiều thập niên qua phương pháp tiếp cận vấn đề, cách thức đưa nội dung tri thức đến với người học rất ít thay đổi. Trong khi đó cơ sở đào tạo không được phép soạn những giáo trình phù hợp với đối tượng mà sử dụng một giáo trình chuẩn. Điều này có nghĩa là khả năng cập nhật kiến thức đối với các ngành học từ bộ khung chuẩn không được quan tâm. Chúng tôi gọi đó là tình trạng “bao sân” về lý luận. Các nhà quản lý biện minh cho sự nhất thể hóa tư duy bằng một luận điểm không thể tranh cãi được, đó là do đặc thù của các môn lý luận chính trị. Vậy, nếu chỉ lo cái đặc thù mà không gắn với cái phổ biến thì đó là lối tư duy kiểu gì? Biện minh hay siêu hình?…
Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, vì thế người học cần được học những gì thực sự bổ ích, đáp ứng nhu cầu mở rộng tri thức và phương pháp luận khoa học để xử lý một cách có hiệu quả những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn và nhận thức. |
Muốn thay đổi vấn đề trên, đầu tiên chúng ta cần thống nhất chương trình đào tạo theo những tiêu chí chung giữa các trường sư phạm, trong đó phân bổ các môn học phù hợp với yêu cầu của việc đổi mới nội dung, tham khảo lẫn nhau về tổ chức giảng dạy, tránh tình trạng tổ chức giảng dạy theo thực trạng đội ngũ chứ không theo tiêu chí của ngành học. Thứ hai, khảo sát thực tiễn để điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy – khảo sát dư luận xã hội, khảo sát người học từ các trường phổ thông. Sau khảo sát có thể đề xuất việc đổi mới giáo trình, thậm chí đề xuất chấm dứt tình trạng bao cấp như hiện nay. Đây là việc khó nhưng nếu đồng lòng thì chắc chắn sự kiên trì sẽ có kết quả. Điều đáng lo ngại nhất là sự phản ứng của xã hội thông qua người học đối với tri thức đơn điệu nhàm chán và xa rời thực tiễn nhưng vẫn buộc phải tiếp nhận vì không có đối thủ cạnh tranh ở lĩnh vực này. Thứ ba, phân bổ các môn học theo hướng mở. Tiếp cận với những vấn đề của hội nhập toàn cầu hóa để trang bị cho người học tri thức toàn diện hơn đúng với nghĩa giáo dục công dân. Nếu người thầy chỉ được trang bị tư duy lý luận chính thống mà không biết thêm được những dòng tư tưởng khác thì làm sao nâng cao tính phê phán, tính phản biện, tính khái quát lý luận, tính đa diện đa chiều trong nhận biết, đánh giá sự kiện giữa thế giới mà toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang là xu hướng tất yếu. Chú trọng kỹ năng giáo dục mềm, hay kỹ năng sống, kỹ năng xã hội ngay trong chương trình đào tạo giáo viên, tăng cường đối thoại với người học. Thứ tư chú trọng đầu vào trong đào tạo đội ngũ, từ đó nâng chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý nói chung và công tác giáo dục chính trị nói riêng vì “Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục” (Các Mác). Cập nhật hóa kiến thức đi đôi với phương pháp tăng cường đối thoại với người học là một trong những yêu cầu cơ bản đối với giảng viên trong điều kiện bùng nổ thông tin như hiện nay.
PGS.TS Đinh Ngọc Thạch
(ĐH Quốc gia TP.HCM)
Bình luận (0)