Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Viết tiếp bài Chí Phèo và ý nghĩa giáo dục (ngày 13-12): Sao phải bỏ một tác phẩm tiêu biểu

Tạp Chí Giáo Dục

Chí Phèo là tác phẩm văn học gắn với tên tuổi của nhà văn Nam Cao và tiêu biểu cho dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945, rất quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh trong nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, vừa qua có ý kiến đưa ra là loại bỏ tác phẩm này khỏi chương trình Ngữ văn THPT gây xôn xao dư luận.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) diễn trích đoạn Chí Phèo trong chương trình ngoại khóa Tiếng vọng non sông. Ảnh: P.N.Q

Dưới đây là ý kiến của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Tổng Chủ biên chương trình Ngữ văn mới – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT) về vấn đề này. Giáo dục TP.HCM xin giới thiệu đến bạn đọc.

Ba điều đáng lưu tâm

Theo tôi, đây chỉ là ý kiến của một cá nhân chứ không phải ý kiến của nhiều người. Tuy nhiên chúng ta không phải vì thế mà không lưu tâm. Điều lưu tâm của tôi trước hết là: Sao lại có thể hiểu về tác phẩm Chí Phèo sai lệch đến thế? Người đưa ra ý kiến này hình như đã tách hẳn một hình tượng văn học sống động, giàu ý nghĩa thẩm mỹ và nhân văn ra khỏi môi trường và đặc trưng nghệ thuật để chỉ xem xét và gán cho nó những ý nghĩa thuần túy đạo đức, chính trị xã hội một cách thô thiển; cái mà tác giả bảo là chỉ xem xét ở góc độ giáo dục đạo đức. Việc làm ấy, theo tôi giống như tách con cá ra khỏi hồ nước. Chỉ nhìn thấy bộ xương rồi một mực cho rằng xương cá có thể làm người ăn bị hóc, do đó không nên nuôi cá và phải đưa cá ra khỏi bàn ăn. Điều lưu tâm thứ hai là trong việc dạy tác phẩm này, nếu giáo viên hiểu theo hướng xã hội học dung tục (như bài viết của người đưa ra ý kiến trên) thì sẽ rất nguy hiểm. Nghĩa là nếu bài viết có ý nghĩa thì chỉ như là lời nhắc một số giáo viên yếu kém về năng lực cần dạy cho đúng tác phẩm này như một tác phẩm văn học đích thực, đừng hiểu như tác giả đó viết. Như vậy, rõ ràng đó không phải là nhận thức và quan điểm của đại đa số thầy cô giáo dạy văn trong nhà trường. Điều lưu tâm thứ ba là không nên dành quá nhiều thời gian và sự quan tâm cho một ý kiến không mang tính phổ quát, không phải là bản chất mà chỉ có tính hiện tượng như thế; không nên bàn nhiều về chuyện này nữa. Nếu cứ lập luận như tác giả ý kiến trên cho rằng tác phẩm có thể tác động tiêu cực đến tâm sinh lý học sinh thì phải bỏ rất nhiều tác phẩm kinh điển ra khỏi chương trình, kể cả Truyện Kiều của Nguyễn Du. Các nhà văn có thể viết về bất cứ đề tài nào, nhưng cho dù viết về cái gì đi nữa thì cuối cùng ngòi bút của họ đều vẫn hướng con người đến với chân, thiện, mỹ. Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng viết: “Dù anh viết xuôi viết ngược như thế nào, dù cho rằng anh viết về sự giận dữ, về lòng căm thù, về nỗi đau khổ, chán chường thì rốt cuộc cũng để truyền thổi vào giữa tâm hồn người đọc một niềm tin vào cuộc sống, một tình yêu bát ngát đối với cuộc sống” (Tình yêu cuộc sống). Vì thế sứ mệnh của dạy học văn trong nhà trường là làm “sáng lên và sang lên” giá trị nhân văn của các hình tượng ấy. Thực tế cho thấy, không ai đi làm ngược lại theo kiểu dạy Chí Phèo để khuyến khích học sinh say rượu, đâm chém lẫn nhau và làm chuyện bậy bạ. Nếu có hiện tượng nào đó dạy Chí Phèo mà tác động tiêu cực đến tâm lý học sinh thì chỉ là do thầy cô dạy kém, cần uốn nắn chứ tuyệt nhiên không phải lỗi do tác phẩm và tác giả; càng không phải là lý do để loại bỏ tác phẩm ấy ra khỏi chương trình và sách giáo khoa. Và nếu quá lo như thế thì tốt nhất là đừng dạy tác phẩm nào nữa.

Không có tác phẩm đi ngược lại tinh thần nhân văn

Như trên tôi đã nói và trích ý kiến của nhà văn Nguyễn Minh Châu, không có tác phẩm văn học lớn nào lại đi ngược với tinh thần nhân văn. Vì vậy, mặc dù viết về cái xấu, cái ác… không có nghĩa là nhà văn cổ súy cho cái xấu, cái ác mà từ việc lên án cái xấu, cái ác để hướng tới cái thiện, cái tốt đẹp nhất. Trong việc dạy và học các tác phẩm ấy, học sinh có thể đưa ra các ý kiến, cách hiểu khác lạ; nếu theo chiều hướng phản nhân văn thì chắc chắn đó là cách hiểu sai; nếu hiểu thiên lệch (không phản nhân văn) thì phải xem có lý và có sức thuyết phục không. Trong trường hợp này giáo viên nên cho học sinh tranh luận, phản bác để cùng tìm ra và đi đến một nhận thức hợp lý nhất. Phải biến các cách hiểu mới, khác lạ ấy thành cơ hội để giáo dục văn học, tiếp nhận nghệ thuật và giáo dục nhân cách. Vì thế không có gì đáng lo ngại cả. Theo dự thảo chương trình Ngữ văn mới, Chí Phèo cũng như nhiều tác phẩm lớn của nhiều tác giả khác chỉ đưa vào danh mục gợi ý cho các tác giả sách giáo khoa và giáo viên lựa chọn để dạy và học về thể loại truyện ngắn hiện thực, nhằm giúp học sinh biết cách đọc thể loại này. Tuy nhiên trong các tiêu chí lựa chọn văn bản, có tiêu chí: tác phẩm phải phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học dân tộc; phải có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, nhất là có tính chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ; tăng tỷ lệ các văn bản đậm tính nhân văn, giáo dục lòng nhân ái, khoan dung, tình yêu chân, thiện, mỹ…, hướng đến những giá trị phổ quát của nhân loại. Đối chiếu với các tiêu chí vừa nêu, không ai dại gì lại loại bỏ các tác phẩm kiểu Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa và dạy học Ngữ văn trong nhà trường cả. Tôi tin và hy vọng thế.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống

Bình luận (0)