Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Viết tiếp bài Chú ý gì ở phần nghị luận văn học? (ngày 17-12): 10 cách mở bài trong văn nghị luận

Tạp Chí Giáo Dục

Trong thể loại nghị luận văn học, nếu mở bài trực tiếp là đường đi thẳng thì mở bài gián tiếp được coi là cách đi đường vòng. Tuy có xa hơn nhưng cách đi đường vòng lại có nhiều “hoa thơm cỏ lạ” và đôi khi còn gây những bất ngờ.

Thí sinh chuẩn bị làm bài môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: M.Tâm

Thứ nhất, đi từ đề tài. Bất kỳ một tác phẩm văn học nào cũng thuộc một đề tài nào đó. Đề tài tác phẩm Chí Phèo, Lão Hạc của nhà văn Nam Cao là hình ảnh người nông dân thì phạm vi hiện thực được phản ánh trong tác phẩm Sống mòn, Trăng sáng của ông là hình ảnh người trí thức tiểu tư sản trước Cách mạng tháng Tám 1945. Đây là cách vào bài đơn giản và dễ nhất, tuy nhiên người viết phải nắm vững được phạm vi miêu tả trực tiếp trong tác phẩm nhất là tác phẩm tự sự như văn xuôi và kịch. Dựa vào cốt truyện, học sinh có thể nhận diện ra được đề tài mà nhà văn đã đề cập đến để làm cơ sở chất liệu đời sống tạo nên tác phẩm. 

Thứ hai, đi từ chủ đề. Cũng như đề tài, bất kỳ một tác phẩm văn học nào cũng có chủ đề. Nếu đề tài là hiện thực cuộc sống được phản ánh trong tác phẩm thì viết về đề tài đó nhà văn muốn gửi gắm thông điệp gì, viết để làm gì chính là chủ đề của tác phẩm văn học. Hiểu điều này, học sinh có thể nhập đề một cách dễ dàng không cần phải đào sâu suy nghĩ. Cũng là đề tài tình yêu nhưng trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, chủ đề là nỗi nhớ và khát khao một tình yêu chung thủy của người phụ nữ đang yêu khác với chủ đề bài thơ Thuyền và biển.

Thứ ba, đi từ tác giả. Thông qua cuộc đời và sự nghiệp sáng tác, phần mở bài sẽ là cầu nối để người viết giới thiệu bài văn, đoạn thơ mà đề bài đề cập đến. Muốn vậy học sinh trước hết phải nắm vững tiểu sử, điểm đặc biệt của nhà văn, nhà thơ. Nếu tác giả có phong cách thì nên đi từ phong cách sáng tác vì như vậy phần mở bài đậm chất văn hơn cả. Phong cách nhà văn cũng có thể coi là nền tảng để phân tích tác phẩm văn học ở phần thân bài một cách sâu sắc hơn. Ví dụ, khi phân tích đoạn trích Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng không thể không nhắc đến chất suy tư, giàu tính trí tuệ trong phong cách sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm.

Thứ tư, đi từ hoàn cảnh sáng tác. Đây là cách làm quen thuộc đối với mọi bài làm vì bất kỳ tác phẩm nào cũng có một duyên cơ hay “ngòi nổ” để tác giả có nguồn cảm hứng mạnh mẽ sinh ra đứa con tinh thần của mình. Nỗi nhớ về đoàn quân Tây Tiến sau khi xa rời đã thúc giục nhà thơ Quang Dũng viết nên tuyệt phẩm Tây Tiến.

Thứ năm, đi từ giai đoạn. Cách này cũng giống như đi từ hoàn cảnh sáng tác nhưng biên độ, phạm vi rộng lớn hơn. Mỗi thời kỳ lịch sử luôn có những bối cảnh xã hội khác nhau đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của tác phẩm văn học. Hoàn cảnh lịch sử ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập đó chính là sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, bản tuyên ngôn chính là lời tuyên bố khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và khẳng định quyền độc lập tự do của một dân tộc có chủ quyền.

Thứ sáu, đi từ nhân vật hoặc hình tượng. Nhân vật là linh hồn của tác phẩm. Mượn hình tượng nhân vật để đưa vào phần mở bài chính là tạo nên một điểm nhấn quan trọng để bài văn không lạc đề hướng đến được giá trị, tính cách nhân vật mà nhà văn muốn gửi gắm vào trong đó. Phân tích tác phẩm Người lái đò sông Đà thì phần mở bài không thể không nhắc đến hình tượng đẹp đẽ người lái đò sông Đà cũng là vẻ đẹp của người nghệ sĩ trong lao động.

Thứ bảy, đi từ thể loại. Mỗi tác phẩm văn học đều khoác trên mình một “chiếc áo” thể loại. Dù tiểu thuyết, truyện ngắn, hay thơ, kịch mỗi chiếc áo đó đều có những ưu điểm đặc trưng riêng để trở thành tấm gương phản chiếu hiện thực một cách trung thực và chính xác nhất. Thông qua vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt mà soạn giả Lưu Quang Vũ đã mang tới nhiều thông điệp về triết lý sống cho đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thứ tám, đi từ so sánh. Đây là cách đối chiếu đối tượng này với các đối tượng khác nhằm làm nổi bật đối tượng mà người viết đang quan tâm. Bằng phương pháp “ức – dương” (dìm để mà nâng) cách so sánh sẽ làm cho bài văn diễn đạt trôi chảy dù là sử dụng nhiều câu phức, mệnh đề kép nhưng sẽ làm bật nổi được tác phẩm văn học mà học sinh muốn đề cập đến. Khi phân tích vẻ đẹp của người phụ nữ trong bài thơ Thương vợ của Tú Xương thì có thể đề cập đến hình ảnh người phụ nữ trong bài Tự tình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. 

Thứ chín, đi từ cách nêu phản đề. Những tình huống đối lập, tương phản cũng là thứ vũ khí cần thiết để người viết so sánh ngược nhằm làm nổi bật và gây ấn tượng mạnh đối với người đọc. Không chỉ trong thể loại nghị luận văn học mà trong nghị luận xã hội cách nêu phản đề cũng là một công cụ không thể thiếu để lập luận thêm sắc bén và có tính chiến đấu cao.

Thứ mười, đi từ cách tạo bất ngờ. Có thể trích dẫn một vài câu thơ, danh ngôn trong phần mở đầu gây cảm tình cho người đọc. Đây là điểm cộng không chỉ làm cho bài văn có hình ảnh mà còn thể hiện sự sáng tạo của người viết không theo một lối mòn cũ kỹ vì: “Văn hay ai nỡ viết dài/ Mới vào đầu bài đã biết văn hay”.

Thái Hoàng Văn
(Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)