Thăm dò ý kiến của nhiều giáo viên đang trực tiếp giảng dạy và học sinh lớp 12 năm nay, chúng tôi xin được góp ý về hai phương án cách tính điểm của hai môn thi tổ hợp.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2017. Ảnh: M.Tâm |
Thay đổi theo phương án 2 là cần thiết
Trước hết phải khẳng định tính hợp lý và cần thiết của phương án 2: Nó sẽ hạn chế việc học lệch của học sinh ở các môn thi tổ hợp. Chẳng hạn như môn sinh của khối tự nhiên, nhiều học sinh nếu không thi theo khối có môn học này thì chỉ coi là môn thủ tục. Vì vậy mà việc dạy và học có tính đối phó, các em làm bài thi để không bị điểm liệt là chủ yếu. Thay đổi để hạn chế những phát sinh tiêu cực của thí sinh khi thi, như việc thí sinh có thể “gian lận” thời gian chuyển môn thi để trao đổi. Quan sát kỳ thi năm ngoái từ góc độ cán bộ coi thi, chúng tôi thấy nhiều thí sinh xin ra ngoài khi chuyển môn đi vệ sinh để trao đổi bài làm. Việc bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh cũng sẽ giúp rút ngắn thời gian thi, giảm bớt căng thẳng mệt mỏi cho thí sinh. Tức là giảm từ một buổi thi với ba môn thi liên tục xuống còn 150 phút trong một bài làm. Giảm bớt gánh nặng về công việc cho hội đồng coi thi, giám thị coi thi. Thay vì phải phát và thu đề thi, giấy nháp liên tục trong các môn, thì đổi lại chỉ phát và thu một lần, và như thế cũng sẽ hạn chế được nhiều sai sót. Ngoài ra, thu gọn ba môn trong một bài thi cũng sẽ đơn giản hóa cho công việc của khâu chấm thi…
Cần có thông tin trước sẽ hợp lý hơn
Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến về hai phương án tính điểm của hai môn thi tổ hợp: khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (sử, địa, công dân). Theo đó, phương án 1 giống như cách tính điểm năm 2017, là tính điểm riêng rẽ từng môn, gồm ba đầu điểm của ba môn thi độc lập. Còn phương án 2, mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của ba môn thành phần, nhưng được bố trí thành một bài hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất toàn bài. |
Hợp lý, cần thiết là thế, nhưng theo chúng tôi, chưa vội thực hiện ngay trong năm học này vì các lý do sau đây:
Một, thay đổi đột ngột sẽ làm cho tâm lý của giáo viên và học sinh lo lắng, khiến phụ huynh và xã hội bất an, làm thiếu lòng tin về sự ổn định của giáo dục. Vì liên tiếp các năm qua, việc thi cử thay đổi quá nhiều, quá liên tục, mà thiếu một chiến lược lâu dài và bền vững. Hai, việc dạy và học ở nhà trường hiện nay tương đối ổn định về việc phân môn theo khối thi. Ngay từ đầu lớp 10, nhà trường phổ thông đã có định hướng về tổ hợp các môn thi theo nhóm ngành để giáo viên giảng dạy theo nguyện vọng của học sinh. Vì thế, nếu thay đổi, nghĩa là sẽ có thêm những môn học khác vào tổ hợp môn thi, mà những môn này các em thiếu sự đầu tư chuẩn bị, nhất là nội dung đề thi năm nay gồm cả chương trình lớp 11. Cho nên, các em sẽ trở tay không kịp, sẽ dễ bị áp lực rất lớn, tạo lo lắng và căng thẳng cho các em. Ba, việc thay đổi còn ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ. Khi xây dựng quy chế xét tuyển sinh, các trường chủ yếu dựa vào tổ hợp các môn thi truyền thống, theo các khối A, B, D… Bây giờ tính điểm thi môn tổ hợp theo cách mới quá đột ngột, sợ rằng sẽ khó có tính phân loại thí sinh cao. Ví dụ khối ngành y dược.
Vì vậy, thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT chưa nên áp dụng ngay phương án 2 trong năm học này mà cần có thông tin trước và nên hạn định thay đổi trong một vài năm tới. Trước mắt, tốt nhất là nên có những điều chỉnh về một số bất cập của kỳ thi năm 2017, như: đảm bảo độ khó – dễ trong đề thi để tạo công bằng cho thí sinh, thay đổi cách tính điểm ưu tiên, cách tính tiêu chí phụ trong xét tuyển…
Trần Ngọc Tuấn
(giáo viên Trường THPT
Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)