Chương trình giáo dục phổ thông mới được kỳ vọng với rất nhiều ưu việt. Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên vẫn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi khi thực hiện, nhất là chỉ còn hơn một năm nữa chương trình chính thức triển khai ở lớp 1. Giáo dục TP.HCM đã ghi nhận ý kiến cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đánh giá về nội dung chương trình này.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giúp học sinh có thêm các hoạt động trải nghiệm
Cô Nguyễn Hoàng Yến (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, Q.12, TP.HCM): Cơ sở vật chất là điều khó khăn nhất
Chương trình giáo dục phổ thông mới có thời lượng dường như không thay đổi so với chương trình cũ. Điểm mới ở chương trình giáo dục mới là có thêm một số môn học trải nghiệm và rất là hay. Vậy nhưng, để có thể triển khai cho học sinh học 2 buổi xét trong điều kiện về cơ sở vật chất, quy mô trường lớp, về sĩ số học sinh thì rất khó thực hiện. Không thể đủ phòng học để sắp xếp thời lượng học sinh học 2 buổi/ngày. Thậm chí hiện tại, với một số môn học phát triển năng lực như kỹ năng sống, tiếng Anh, học sinh lớp 3, 4, 5 đều phải học trái buổi ít nhất 1-2 buổi/tuần thì mới đáp ứng được các môn học theo yêu cầu của sở. Còn về đội ngũ giáo viên thì không đến mức lo ngại lắm, bởi về cơ bản giáo viên đã đủ chuẩn hết, khi áp dụng thì giáo viên chỉ cần cập nhật khung chương trình mới là có thể dạy được. Tức là con người có thể thay đổi và bổ sung được, còn cơ sở vật chất thì không phải một sớm một chiều mà có thể thay đổi để đáp ứng được. Để áp dụng cho lớp 1 trong năm học 2020-2021 thì chỉ có thể là thực hiện cuốn chiếu từ từ thôi.
Cô Nguyễn Vũ Huệ (GV môn văn Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM): Nên có sự đổi mới đánh giá cho phù hợp
Tôi rất đồng tình với chương trình giáo dục phổ thông mới khi giúp giảm tải áp lực học hành cho học sinh, rèn cho học sinh các kỹ năng cần thiết để hội nhập. Nhất là với chương trình giáo dục mới, ngoài những tác phẩm bắt buộc thì sẽ có thêm nhiều tác phẩm mới khiến chương trình học nhẹ nhàng, học sinh có thêm nhiều thời gian để rèn luyện thêm các kỹ năng khác. Chứ không phải là chỉ tập trung vào sự nhồi nhét kiến thức. Đặc biệt, chương trình giáo dục mới mang đến cho giáo viên thêm nhiều quỹ thời gian hơn để đổi mới phương pháp dạy, làm việc với học sinh, phát huy từng cá thể.
Tuy nhiên, trong chương trình giáo dục mới chưa thấy đưa ra phương pháp đổi mới đánh giá học sinh. Điều này hơi khó cho giáo viên. Nên chăng tập trung đưa ra một thang điểm mới để dễ dàng cho cả giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục mới buộc người giáo viên phải chủ động để thích ứng nên đòi hỏi thầy cô phải thật sự linh hoạt, tìm tòi, học hỏi thêm.
Cô N.T.H (GV môn sử một trường THPT tại Q.3, TP.HCM): Sao lại tách môn sử thành môn học tự chọn?
Các em học sinh hỏi tôi về chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng thật sự là tôi không biết phải trả lời như thế nào khi mọi thông tin vẫn còn rất mơ hồ, không rõ ràng, không biết sẽ dạy như thế nào. Với các môn lựa chọn thì chọn như thế nào? Nếu học sinh không lựa chọn môn học đó thì làm sao, có phương án nào để trang bị kiến thức cho các em. Còn bắt buộc là bắt buộc như thế nào? Tức là chưa có một quy chế thật sự rõ ràng. Nhất là khi đưa lịch sử vào môn học lựa chọn. Ở các nước thì Quốc văn, Quốc sử và khoa học cơ bản là 3 môn bắt buộc. Chưa có một nước nào mà lịch sử lại là môn học tự chọn. Thậm chí ở Na Uy, công dân 18 tuổi vẫn phải thi quốc tịch. Có những người là công dân Na Uy vẫn rớt vì không có đầy đủ về kiến thức lịch sử.
Mặc dù lịch sử đã được học từ THCS, thế nhưng với từng bậc học, các em sẽ cảm thụ bài học, kiến thức lịch sử theo một cấp độ khác. Ở bậc THPT, các em sẽ hiểu kiến thức lịch sử một cách sâu sắc, chín chắn hơn, có độ giáo dục cao hơn. Vì vậy, đang lúc mà nhận thức các em cần phải hoàn chỉnh nhận thức như vậy mà lại cho lịch sử thành môn học tự chọn thì rõ ràng là tạo ra một “lỗ hổng rất lớn”. Lịch sử rất khó, khó với ngay cả giáo viên. Ngoài kiến thức thì để có thể giúp các em hiểu được những bài học đằng sau sự kiện, bản chất là cả một vấn đề. Ngay như bây giờ, với chương trình phổ thông hiện hành, lịch sử đang là môn bắt buộc mà học sinh còn rất hờ hững thì nếu như trở thành môn tự chọn không biết sẽ như thế nào?
Thầy Lê Thanh Long (GV môn địa Trường THPT Phạm Văn Sáng, huyện Hóc Môn, TP.HCM): Người thầy phải không ngừng trau dồi chuyên môn
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, địa lý là môn tự chọn phục vụ cho yêu cầu phân hóa. Nếu tin tưởng và hình dung được thì học sinh sẽ thích môn học mới. Và học sinh chỉ thích môn học khi các em ý thức được rằng môn học này là cần thiết, môn học này thu hút. Do vậy, kiến thức chỉ là cái cớ, quan trọng là nằm ở người thầy. Theo đó, người thầy phải biết đổi mới, biết tổ chức các hoạt động giảng dạy sao cho phát triển được năng lực của học sinh.
Trước yêu cầu đổi mới, người thầy muốn-có-chỗ-đứng thì phải không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, các kỹ năng, định hướng nghề nghiệp, giáo dục STEM… Quan trọng hơn hết là phương pháp tổ chức các hoạt động giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực người học.
Đ.Yến (ghi)
Bình luận (0)