Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Viết tiếp bài Đề khó, áp lực sẽ cao (ngày 26-1): Có sự phân hóa mạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Kiến thức rộng, trải đều từ lớp 11 với độ khó tăng cao; đặc biệt, người học dễ bị “gài” nếu không tỉnh táo… là những đánh giá từ phía học sinh trước bộ đề thi minh họa THPT quốc gia 2018 vừa được Bộ GD-ĐT công bố.

Hồ Diệp Ái Vy (học lớp 12A2, Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM): Kiến thức sắp xếp theo ma trận để phân loại thí sinh

Nhìn chung, đề thi minh họa năm nay có độ khó hơn rất nhiều so với đề mọi năm. Kiến thức có sự sắp xếp theo ma trận, từ dễ đến khó để phân loại thí sinh. Bao gồm cả 4 mức độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Những câu mang tính vận dụng cao có kiến thức rộng, từ nâng cao cho đến chuyên sâu. Còn phần câu hỏi nhận biết và thông hiểu thì bao gồm tất cả kiến thức đã được học, rất sát nhưng cũng rất rộng.

Môn toán thì tần suất kiến thức lớp 11 xuất hiện chỉ chiếm khoảng 20% đề thi. Các câu hỏi khó chiếm khoảng 10-12, là những kiến thức liên quan đến hình học không gian, hình xyz và nhất là câu tích phân. Câu xác suất lớp 11 theo em cũng khá khó. Ở môn lý, kiến thức lớp 11 lại nhẹ nhàng, chiếm khoảng 15%, còn đa phần là kiến thức lớp 12. Đề có sự phân hóa rõ ràng, ngoài lý thuyết cơ bản thì 10-12 câu cuối người học phải có tư duy tốt và năng lực thật sự mới có thể hoàn thành. Còn môn hóa, mảng kiến thức vô cơ và lý thuyết chiếm hơn 50%. Đề được coi là nhẹ nhàng, độ khó chỉ tập trung vào 10 câu cuối. Tuy nhiên, trước những câu hỏi nhận biết đúng sai, chọn số lượng thì người học có khả năng sẽ dễ bị gài. Trong khi đó, ở môn sinh, kiến thức lớp 11 được phân bổ khá rộng trong đề. Đặc biệt là kiến thức chuyên sâu nên được đánh giá là khó nhất. Môn văn, theo em sẽ thiếu thời gian để làm bài. Còn môn tiếng Anh, kiến thức cơ bản, không đòi hỏi cao. Chỉ cần nắm được những phần về cấu trúc câu, ngữ pháp là có thể đạt trên điểm trung bình. Những môn sử, địa, giáo dục công dân kiến thức trải rộng, phần kiến thức lớp 11 chiếm trên 20%.

Trần Thị Vạn Quỳnh (học lớp 12A9, Trường THPT Hiệp Bình, TP.HCM): “Dễ thở” nhất là đề môn lý

Đặc trưng ở đề thi môn hóa, một trong những môn gây áp lực với đa số học sinh, là số lượng câu hỏi dễ chiếm 50 đến 60 câu, đa phần là lý thuyết. Trong đó, kiến thức lớp 11 chỉ khoảng 5 đến 10 câu. Câu khó, phân loại trình độ nằm ở những câu cuối, đòi hỏi học sinh phải có tư duy cao, suy nghĩ sâu, nhiều câu còn rơi vào bài thực hành trong đời sống. Theo em, học sinh trung bình có thể dễ dàng kiếm điểm 5.

Đối với đề môn văn, phần văn bản đọc hiểu thường gắn liền với những vấn đề thực tế dễ bắt gặp trong cuộc sống, nhất là đối với học sinh THPT như vấn đề con đường dẫn đến sự thành công và trưởng thành. Những câu hỏi thường nghiêng về sự am hiểu của học sinh nên theo em là tương đối dễ, bạn nào cũng có thể nắm chắc trong tay từ 1,5 đến 2 điểm trong phần thi này. Ngược lại, phần làm văn tương đối khó khi phải so sánh cả hai nhân vật trong kiến thức lớp 12 và 11. Theo em, điểm  trung bình môn văn có thể đạt từ 4,5 đến 6.

Đề thi nhận được sự “kêu than” nhất có lẽ là toán, vẫn gồm kiến thức lớp 11 và 12 như các môn khác nhưng có lẽ giáo viên sẽ phải vất vả để ôn lại kiến thức cũ cho học sinh. Trong khi đó, đề thi môn sinh vẫn khó nhằn như mọi năm. “Dễ thở” nhất theo em là đề thi môn lý, không còn lắt léo như đề thi năm trước, học sinh trung bình khá cũng có thể làm trên mức điểm 5.

Bản thân em chọn thi khối B nên trong khối này, em nhận thấy có khoảng 10% câu hỏi ở cả 3 môn toán, hóa, sinh là “thách thức”, với độ phân hóa cao.

Trần Nguyễn Trúc Tâm (học lớp 12A4, Trường Trung học Thực hành Sài Gòn): Đề năm nay “khó nhằn” hơn năm ngoái

Theo em, đề minh họa năm nay “khó nhằn” hơn năm ngoái khi kiến thức khó chiếm đến 50% ở các môn thi. Cá biệt, các môn toán, hóa, sinh được đánh giá có mức độ khó phân hóa rõ rệt. Để đạt điểm cao ở các môn này chỉ có học sinh khá giỏi trở lên. Với môn văn, kiến thức trải đều từ nghị luận đến đọc hiểu, đề có thể coi là nhẹ nhàng. Câu hỏi phần nghị luận có phần đơn giản. Kiến thức lớp 11 cũng chưa nhiều, chưa rõ rệt bởi đặc thù môn văn, dù có tích hợp cả 3 năm học thì nội dung hay cấu trúc bài thi theo em là vẫn vậy. Chủ yếu là bài nghị luận kiến thức rơi vào khối nào mới quan trọng.

Tuy nhiên, theo em, để đề thi sát với trình độ học sinh và học sinh có sự chuẩn bị về mặt kiến thức thì Bộ GD-ĐT nên công bố đề minh họa sớm hơn. Mặc dù kiến thức lớp 11 vẫn trải đều trong kiến thức lớp 12 ở nhiều môn, nhưng rõ ràng là chúng em đã ôn tập quá xa và ôm đồm quá nhiều kiến thức.

Kiến thức lớp 11 trong đề thi năm nay chiếm nhiều, khoảng trên dưới 20% trung bình các môn. Kiến thức lớp 12 lại bao quát rộng. Đề được xem là khó hơn mọi năm. Đặc biệt, để làm “trọn” hết đề, lấy được điểm cao, nhất là ở môn toán thì thí sinh phải cực đỉnh.

Tuy nhiên, đây chỉ là đề minh họa. Vì vậy, có khả năng đề thật kiến thức lớp 11 còn chiếm khối lượng khủng hơn.

Nhóm PV (ghi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)