Làm sao để có một câu đọc hiểu văn bản hay, mang ý nghĩa giáo dục, hấp dẫn với thí sinh khi làm bài và không gây sốc, gây tranh cãi… luôn là vấn đề được dư luận chú ý thời gian gần đây.
Một tiết học môn ngữ văn của học sinh lớp 12 (ảnh minh họa) Ảnh: Anh Khôi |
Vị trí đặc biệt của câu đọc hiểu
Câu đọc hiểu văn bản (3.0 điểm) được chính thức đưa vào đề thi môn văn từ năm 2014, thay cho câu hỏi tái hiện kiến thức (2.0 điểm) của đề thi trước đó. Trước kỳ thi năm 2017, do thời gian làm bài 180 phút, nên đề cho 2 văn bản, với 8 câu hỏi. Từ năm ngoái, thời gian làm bài giảm xuống còn 120 phút, nên đề cũng giảm bớt 1 văn bản và chỉ còn 4 câu hỏi. Với 3.0 điểm trên thang điểm 10 của đề thi, lại gánh thêm một nhiệm vụ là tích hợp với câu viết đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ bên dưới, nên có thể thấy, đây là câu hỏi rất quan trọng của đề. Nó được thí sinh quan tâm và xã hội chú ý bàn luận nhiều trong các kỳ thi hệ trọng. Nó cần sự công phu của người ra đề và đáp án chấm.
Tuy thế, với hướng dẫn chuyên môn từ Bộ GD-ĐT về các yêu cầu câu hỏi lượng giá kiến thức từ dễ đến khó, theo các mức: nhận biết, thông hiểu và vận dụng thông qua “ma trận” ra đề cũng rất khái quát. Phần còn lại là ở sự khéo léo của người trực tiếp ra đề, người duyệt đề ở từng trường, từng địa phương, hay quốc gia trong các kỳ thi cụ thể. Cũng vì vậy mà thời gian qua, đã có không ít câu hỏi đọc hiểu văn bản gây sốc, tạo sự tranh luận trái chiều trên các trang mạng xã hội.
Những yêu cầu cơ bản cho một đề đọc hiểu
Xu hướng chọn văn bản hiện nay Câu hỏi đọc hiểu văn bản là một phần bắt buộc và quan trọng, chiếm số điểm khá lớn trong đề kiểm tra môn ngữ văn ở trường THPT và trong cấu trúc đề thi THPT quốc gia. Do tính chất của câu hỏi này là đòi hỏi phải đánh giá nhiều mặt về kiến thức, kỹ năng của học sinh, nên các văn bản đọc hiểu phải phong phú về hình thức, hấp dẫn về nghệ thuật, và sâu sắc về nội dung tư tưởng. Vì thế lựa chọn văn bản hay để đưa vào đề là một khâu rất công phu trong việc làm đề thi. Trong bối cảnh các văn bản từ sách giáo khoa, sách bài tập, các bài đọc thêm, cũng như các đầu sách kinh điển đã được người ra đề săn lùng, “cày xới”, thì việc chọn lựa các văn bản trên báo chí, các trang mạng là xu hướng phổ biến trong việc ra đề hiện nay. Tuy nhiên, phải cân nhắc kỹ để lựa chọn văn bản thì đề kiểm tra, đề thi mới hay và hấp dẫn, mới có hiệu quả cho mục đích giáo dục. Và nên tránh lạm dụng để không bị trở thành phong trào. |
Với kinh nghiệm, chúng tôi thấy, để có một đề đọc hiểu lý tưởng, cần chú ý đến 9 yêu cầu trong việc lựa chọn văn bản và cách đặt câu hỏi sau đây: Thứ nhất, văn bản phải có nội dung mang tính giáo dục. Thứ hai, phải có tính hợp lý và phong phú về các mặt kiến thức để đánh giá được nhiều kỹ năng đọc hiểu của thí sinh… Thứ ba, vừa sức với đối tượng thí sinh, cân xứng với thời gian làm bài. Không ra văn bản quá khó hoặc quá dễ, quá dài hoặc quá ngắn… Thứ tư, câu hỏi cần có tính gợi mở, hấp dẫn, tạo ra hứng thú cho thí sinh khi làm bài, phù hợp tâm lý lứa tuổi… Thứ năm, phải có sức hấp dẫn về trình bày, chuẩn mực về hình thức tạo lập cũng các phương tiện như dùng từ, đặt câu, dựng đoạn… Thứ sáu, văn bản phải có độ tin cậy về nguồn dẫn; tính gương mẫu về người viết, về đối tượng được bàn đến… Thứ bảy, văn bản nên có tính thời sự, nhưng phải lựa chọn những sự việc có ý nghĩa xã hội, không quá cá biệt, tránh sự việc giật gân, gây ra nhiều tranh cãi tiêu cực… Thứ tám, các câu hỏi phải xếp đặt từ dễ đến khó, hướng đến những trọng tâm của nội dung văn bản, tránh những câu hỏi có nhiều phương án trả lời, hoặc mơ hồ, hoặc dễ gây ra tranh luận… Tạo thuận lợi trong việc xây dựng đáp án chấm. Thứ chín, phải chú ý đến tính tích hợp với câu hỏi viết đoạn văn bên dưới. Cho nên cần lựa chọn văn bản có đề tài rộng, có tính gợi mở…
Tóm lại, làm sao để thông qua câu hỏi đọc hiểu văn bản tác động tốt nhất đến thí sinh về: nhận thức, tình cảm, thái độ và kỹ năng.
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)