Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Viết tiếp bài Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh (ngày 26-11): Cần lựa chọn phương pháp phù hợp

Tạp Chí Giáo Dục

Trong trường phổ thông hiện nay, thực trạng kiểm tra, đánh giá đã có những đáp ứng phù hợp với thực tiễn và được tiến hành theo những quy chế của ngành giáo dục.

Theo tác giả, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong ảnh: Học sinh lên bảng trả lời câu hỏi của giáo viên. Ảnh: N.Quang

Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh có một ý nghĩa vô cùng quan trọng và trong thực tế kiểm tra, đánh giá có mối liên hệ khăng khít với nhau – kiểm tra là phương tiện, còn đánh giá là mục đích. Không thể đánh giá mà không dựa vào kiểm tra và ngược lại. Từ trước đến nay, thi là một hình thức kiểm tra có tầm quan trọng đặc biệt và cho điểm là dạng đánh giá phổ biến xác định bằng định lượng trình độ của học sinh.

Ba chức năng của kiểm tra, đánh giá đó là so sánh, phản hồi, dự đoán. Theo đó, so sánh ở đây là giữa mục tiêu dạy học đề ra với kết quả thực hiện được. Nếu không có kiểm tra, đánh giá thì không có dữ liệu, số liệu xác thực để so sánh kết quả thực tế đạt được so với mục tiêu dạy học ban đầu đề ra. Còn chức năng phản hồi hình thành được mối liên hệ nghịch bên trong và bên ngoài. Nhờ có chức năng phản hồi mà người học tự đánh giá được trình độ của chính mình và người giáo viên thông qua các thông tin phản hồi của người học để từ đó điều chỉnh quá trình dạy học ngày một tối ưu hơn. Trong khi đó, chức năng dự đoán là căn cứ vào kết quả kiểm tra và đánh giá, giáo viên có thể dự đoán sự phát triển của người học trong tương lai, qua đó định hướng học tập hiệu quả hơn. Muốn thực hiện được 3 chức năng trên thì phải tìm ra các phương tiện kiểm tra và đánh giá chính xác, đúng mức đáng tin cậy.

Mỗi loại hình kiểm tra đều có những ưu, nhược điểm nhất định, quan trọng là việc vận dụng các phương pháp phải như thế nào để hạn chế tối đa nhược điểm của từng loại; đồng thời phát huy các ưu điểm để tăng cường khả năng đánh giá một cách chính xác, khách quan với người học.

Kiểm tra kết quả học tập luôn được thực hiện ở tất cả các khâu của quá trình dạy học, do đó các phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng là những phương pháp dạy học. Tuy nhiên chúng được sử dụng ở những giai đoạn giảng dạy khi giáo viên có đầy đủ căn cứ để yêu cầu học sinh báo cáo lại sự lĩnh hội tài liệu đã học và đánh giá trình độ lĩnh hội tài liệu của từng em. Có hai hình thức kiểm tra, đánh giá, đó là kiểm tra, đánh giá hình thành và kiểm tra, đánh giá tổng kết. Nếu kiểm tra, đánh giá hình thành là dựa trên cơ sở hình thành kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo trong học tập và tạo ra động lực phát triển thì kiểm tra, đánh giá tổng kết được thực hiện vào cuối môn học, cuối năm học. Về phương pháp, trước hết quan sát là phương pháp dùng để xác định những thái độ, những sự phản ứng vô thức, các kỹ năng thực hành và một số kỹ năng về nhận thức. Còn kiểm tra vấn đáp không phải chỉ đơn giản là kiểm tra bài cũ, để mở đầu tài liệu của bài mới mà còn được sử dụng để phát hiện tình hình, kiến thức của học sinh khi tiếp thu bài mới. Về ưu điểm, kiểm tra vấn đáp giúp giáo viên dễ dàng nắm được dòng suy nghĩ của học sinh hơn, nắm được những sai sót trong lời nói, giúp các em sử dụng đúng đắn những thuật ngữ và diễn đạt ý một cách logic. Nhờ trình bày ngôn ngữ của chính mình, người học hiểu rõ bài và nhớ lâu tài liệu, kiến thức hơn. Trong khi đó, kiểm tra miệng là phương tiện giúp học sinh mạnh dạn phát biểu ý kiến, luyện tập khả năng đối đáp, diễn đạt ý tưởng bằng ngôn ngữ nói chính xác và tập cho các em tính linh hoạt, suy nghĩ phán đoán được nhanh chóng. Tuy nhiên, kết quả trả lời của vài học sinh không thể xem là đại diện cho cả lớp. Điểm số vài em không giúp cho thầy cô đánh giá đúng mức trình độ chung của cả lớp. Nếu lớp đông học sinh thì việc kiểm tra thật sự mất quá nhiều thời gian. Tương tự, kiểm tra trắc nghiệm tự luận có ưu điểm là trong một thời gian ngắn kiểm tra được toàn bộ học sinh trong lớp và một số vấn đề ấn định trong giáo trình. Câu hỏi trắc nghiệm tự luận dễ soạn và khuyến khích được học sinh có thói quen tập suy diễn, tổng quát hóa, tìm mối tương quan giữa các sự kiện khi học bài hay soạn bài, khuyến khích sự phát triển óc sáng tạo. Tuy nhiên, nhược điểm của loại kiểm tra trắc nghiệm tự luận là có độ tin cậy và độ giá trị thấp, đề tài rộng vẫn không thể khảo sát hết chương trình. Trắc nghiệm khách quan cũng có ưu điểm là chấm bài nhanh, chính xác nên độ tin cậy cao. Bao quát được chương trình nên tránh được học vẹt, học tủ. Tuy nhiên đòi hỏi giáo viên tốn nhiều thời gian để biên soạn ngân hàng câu hỏi, khó trắc nghiệm được quá trình diễn biến tư duy của học sinh…

Có thể nói mỗi loại hình kiểm tra đều có những ưu, nhược điểm nhất định, quan trọng là việc vận dụng các phương pháp phải như thế nào để hạn chế tối đa nhược điểm của từng loại; đồng thời phát huy các ưu điểm để tăng cường khả năng đánh giá một cách chính xác, khách quan với người học.

TS. Phan Long
(Viện Sư phạm Kỹ thuật,
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)