Do đọc hiểu có chức năng phát triển ở người đọc khả năng vận dụng đọc vào giải quyết nhiệm vụ học tập và các vấn đề có trong cuộc sống nên nó không chỉ là kỹ năng mà còn là một năng lực.
Có nhiều cách trình bày khái niệm năng lực đọc hiểu do cách tiếp nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, trong đó có một số quan niệm dựa theo lý thuyết giao tiếp và tương tác xã hội, tập trung làm rõ chức năng đọc hiểu trong việc hình thành năng lực tham gia vào xã hội của người đọc.
Được hình thành từ môn ngữ văn, vì vậy năng lực đọc hiểu là một năng lực chuyên biệt của môn học này. Theo đó, năng lực đọc hiểu được phát triển và hoàn thiện ở mức độ ngày càng cao khi được dùng để giải quyết nhiệm vụ của cuộc sống và lúc này nó trở thành năng lực chung của mỗi cá nhân. Các yếu tố cấu thành năng lực đọc hiểu bao gồm: Tri thức về văn bản và chiến lược đọc hiểu; kỹ năng thực hiện các hành động, thao tác đọc hiểu; sự sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ học tập, các nhiệm vụ trong đời sống cần đến đọc hiểu. Ngoài nghĩa hiển ngôn, người đọc còn thực hiện các thao tác suy ý để tìm ra nghĩa hàm ẩn có trong văn bản. Không chỉ hiểu cấu trúc, người đọc phải có những hiểu biết về thể loại của văn bản đó. Trong đọc hiểu có một số hành động làm tiền đề như đọc thầm, đọc lướt, đọc quét… Kế tiếp là hành động ghi nhớ, nhận biết thông tin và hành động hiểu ý nghĩa văn bản. Những hành động áp dụng văn bản vào nhiệm vụ nhằm thay đổi nhận thức, tình cảm, quan điểm của chính người đọc và hành động phản hồi văn bản sau đó được diễn ra trên cơ sở hành động hiểu văn bản. Hoạt động vận dụng văn bản vào giải quyết các nhiệm vụ học tập trong đời sống là hành động cuối cùng của quá trình đọc hiểu. Để thực hiện hoạt động vận dụng này, học sinh phải tiến hành một số hành động, thao tác cơ bản như: Bàn luận những vấn đề trong cuộc sống qua sự học hỏi từ nội dung văn bản, trình bày các giải pháp một vấn đề cụ thể từ sự học tập nội dung của văn bản.
Khi đọc một văn bản, học sinh không chỉ hiểu cấu trúc mà còn phải biết về thể loại văn bản đó. Ảnh: Anh KHôi |
Để xây dựng chuẩn năng lực đọc hiểu cần sử dụng các nhóm phương pháp sau: Phương pháp chuyên gia và tổng kết kinh nghiệm, phương pháp thực nghiệm. |
Để xây dựng chuẩn năng lực đọc hiểu cần sử dụng các nhóm phương pháp sau: Phương pháp chuyên gia và tổng kết kinh nghiệm, phương pháp thực nghiệm. Quá trình xây dựng chuẩn năng lực đọc hiểu gồm hai bước thiết kế, đó là chuẩn nội dung và chuẩn thể hiện. Ở chuẩn nội dung mô tả học sinh cần biết, hiểu và có thể làm những gì bằng cách xác định những kiến thức, kỹ năng, thái độ cốt lõi trong chương trình của môn học ở mỗi lớp và bậc học. Muốn vậy phải trả lời được hai câu hỏi: Học sinh học những gì ở môn học? Học sinh học mỗi nội dung đó ở mức độ nào? Trong môn ngữ văn, chuẩn nội dung chỉ bao gồm: Một tập hợp các kiến thức, kỹ năng, hành vi của môn học; những sự thể hiện của học sinh liên quan đến từng tiêu chí thuộc kiến thức kỹ năng hành vi của môn học.
Trong khi đó chuẩn thể hiện được dùng để đo lường các hoạt động học tập của học sinh đáp ứng chuẩn nội dung. Do vậy, chuẩn thể hiện mô tả các mức độ mà học sinh cần đạt được ở chuẩn nội dung. Các mức độ trong chuẩn thể hiện gồm từ thấp tới cao với các đặc điểm như: Học sinh đạt được và có thể đo lường được, gắn với bối cảnh chung và có tính thời điểm. Như vậy, theo thời gian biến đổi của bối cảnh, người ta có thể điều chỉnh chuẩn thể hiện trong khi có thể chưa cần điều chỉnh chuẩn nội dung trong quá trình thực hiện đọc hiểu văn bản ở bộ môn này.
PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)
Muốn học văn tốt phải thích đọc sách Hiện nay phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến bộ môn văn trong nhà trường. Phụ huynh cho con học chỉ lấy điểm mà thôi chứ không đầu tư nhiều như các môn học khác. Vì thế mà họ cũng không biết chọn sách cho con học và tham khảo. Sách có nhiều điều hay nhưng các em không đọc truyện chữ mà chỉ thích đọc truyện tranh. Do nhìn nhiều truyện tranh như vậy nên học sinh chưa rèn được tư duy học văn. Vì thế có những từ ngữ các em hiểu sai như “phỉ nhổ” mà có em giải thích là “nhổ nước bọt”. Khó phát hiện ra ẩn dụ, hoán dụ trong văn bản và đặc biệt dễ bị lẫn lộn do không phân biệt được các biện pháp tu từ. Dẫn đến sai lỗi chính tả và ngữ pháp không hiếm, cách dùng từ lại thiếu chính xác. Theo tôi, muốn học văn tốt học sinh phải thích đọc sách. Em nào viết câu gọn, sáng sủa chứng tỏ đọc sách nhiều. (Khi giáo viên chấm bài là biết học sinh đó có thường đọc sách hay không?). Vì thế, giáo viên phải giới thiệu các loại sách mà học sinh cần đọc để giúp các em có kỹ năng đọc hiểu tốt. Đan Thị Mỹ Diệp (GV Trường THCS Đống Đa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) |
Bình luận (0)