Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Viết tiếp bài “Đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch – Gieo hạt nhưng quên tưới”: Cần một tầm nhìn

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi Báo SGGP ngày 1-2 có bài “Đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch – Gieo hạt nhưng quên tưới”, chúng tôi đã nhận được khá nhiều ý kiến của các nhà quản lý. Xin giới thiệu 2 trong số những ý kiến này.

° Đạo diễn Võ Trọng Nam, Trưởng phòng Quản lý Nghệ thuật, Sở VH-TT-DL TPHCM: “Phải đầu tư thỏa đáng”

° Đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch là một chủ trương đúng đắn của TPHCM tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện lại chưa đồng bộ, chưa thật quyết liệt. Cách đây mấy năm, chúng tôi đã chuẩn bị những dự án nghệ thuật hoành tráng để thực hiện nhưng tiếc là không được Sở Tài chính TP duyệt thông qua. Với những dự án này, thoạt nhìn có người sẽ cảm thấy xót vì phải chi hàng tỷ đồng nhưng tôi nghĩ không hề lãng phí vì có thể biểu diễn từ tháng này sang năm khác. Khi nào việc đầu tư hàng tỷ đồng cho một chương trình nghệ thuật mà chỉ để diễn có vài đêm rồi ngưng, đó mới là lãng phí.

Những chương trình văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc như thế này luôn cần được đầu tư để quảng bá với du khách.

Việc đầu tư cho văn hóa cần phải có một tầm nhìn, phải đầu tư thỏa đáng mới mong phát triển, mới hy vọng có những chương trình đặc sắc để “khoe” với bạn bè quốc tế. Chưa kể, đối với các đơn vị nghệ thuật khi thực hiện việc đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch chúng ta cũng cần phải có chế độ, chính sách nhằm khuyến khích, động viên như miễn – giảm thuế…

Vừa qua, đi tham quan cách làm sân khấu du lịch ở Trung Quốc về, tôi càng quyết tâm đeo đuổi những dự án trước đây. Tôi rất ấn tượng với chương trình do đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu dàn dựng trình diễn trên sông Lệ Giang với núi non hùng vĩ, được xử lý ánh sáng cực đẹp. Khi xem chương trình này, tôi liên tưởng tới vở cải lương Kim Vân Kiều được đầu tư hàng tỷ đồng cách đây mấy năm. Nếu chúng ta đưa vở diễn này ra khu vực quận 9 với sông nước hữu tình để làm một show diễn phục vụ du khách sẽ rất thú vị.

° Nhạc sĩ Hồ Văn Thành, Trưởng đoàn Nghệ thuật xiếc TPHCM: “Phải đầu tư cơ sở vật chất”

° Những vấn đề mà Báo SGGP nêu lên hoàn toàn chính xác. Từ chủ trương đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch cho đến thực tế hiện nay còn một khoảng cách.

Trước đây, khi bắt đầu triển khai thực hiện việc đưa nghệ thuật vào phục vụ du khách, chúng tôi làm rất nghiêm túc, trông chờ ngày khai diễn. Tuy nhiên, tiếc là lúc trình diễn lấy ý kiến của các cơ quan quản lý và gần 400 công ty lữ hành đến xem, đóng góp ý kiến thì chỉ có vài chục người đến dự, thành phần tham gia cũng không đúng vì có người nhận vé mời rồi… cho con em đi xem. Sau đó, chương trình không được chọn đầu tư biểu diễn dù đến giờ chúng tôi cũng không biết nguyên nhân vì sao?

Vừa qua, Sở VH-TT-DL TP có tổ chức cho các đơn vị nghệ thuật công lập ở TPHCM đi tham quan mô hình thực hiện sân khấu du lịch ở Trung Quốc, tôi nhận thấy về tiết mục, chương trình, lực lượng diễn viên của chúng ta hoàn toàn đủ khả năng để làm. Vấn đề là hiện nay là cơ sở vật chất của chúng ta quá lạc hậu nên rất khó thực hiện.

Sau chuyến đi Trung Quốc trở về, lãnh đạo Sở VH-TT-DL TPHCM chỉ đạo trong tuần này phải gởi đề xuất, kiến nghị về việc thực hiện sân khấu du lịch trong thời gian tới. Theo tôi, điều quan trọng nhất hiện nay là cơ sở vật chất phải được đầu tư. Nếu trong lúc TPHCM còn đang khó khăn, chưa thể xây dựng cùng lúc nhiều rạp hát cho từng đơn vị nghệ thuật thì chúng ta có thể xây dựng trước mắt một rạp hát dành cho các đơn vị cùng biểu diễn phục vụ du khách.

Đỗ Hạnh (Theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)