HS Trường THCS Đặng Trần Côn (Q.Tân Phú) biểu diễn tiểu phẩm giáo dục kỹ năng ứng xử cho giới trẻ. Ảnh: B.Vân |
Bạo lực học đường (BLHĐ) gần đây được phản ánh thường xuyên trên các phương tiện thông tin truyền thông làm đau lòng nhiều người. Nhưng theo tôi, đây mới chỉ là một phần nổi của cả tảng băng trôi. Phần chìm là các hiện tượng chưa được nêu lên báo chí.
Chịu trách nhiệm về BLHĐ không chỉ có thầy cô giáo đang dạy dỗ lứa tuổi học trò “ăn chưa no lo chưa tới” mà còn từ nhiều phía khác nhau.
1. Gia đình vẫn còn một số cha mẹ chỉ biết lo làm ăn không dành thời gian cho con, nhất là những người cha thiếu trách nhiệm. Có bậc cha mẹ có quan tâm nhưng lại không biết cách giáo dục con, đem mọi bực tức trong cuộc sống mưu sinh trút lên đầu con bắt con cái chịu trận. Khi con vướng vào khuyết điểm thì chỉ biết lớn tiếng la rầy, mắng nhiếc mà không tìm cách thuyết phục nhẹ nhàng, có tình có lý. Hậu quả là đứa con bị stress, trầm cảm hoặc bắt chước cha mẹ tìm chỗ trút bực tức bằng cách đánh bạn. Thực tế cho thấy, hầu hết phụ huynh vẫn chưa có kiến thức giúp con cái chuẩn bị tâm thế và kỹ năng để xử lý nhanh các tình huống bị kẻ xấu trấn áp. Dạy con theo kiểu “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, “đèn nhà ai nấy rạng” khiến cho cái xấu, cái ác lấn tới mà không lường được trước. Buồn lòng hơn một vài cha mẹ còn nêu gương xấu cho con như hàng ngày chửi thề, đánh đập trong gia đình hay trong xóm làng để giải quyết mọi mâu thuẫn. Dùng roi vọt đánh con để áp đặt ý chí của mình bắt con cái phục tùng tất cả. Hậu quả là con thấy dùng bạo lực để áp đặt ý chí lên kẻ yếu hơn mình là rất hiệu quả nên đem áp dụng ở trường học. Cái xấu của cha mẹ đã âm thầm theo đứa trẻ vào lớp và manh nha ra ngoài xã hội.
2. Môi trường sống và xã hội bên ngoài cũng ảnh hưởng đến nhân cách đứa trẻ. Bạo lực ngoài đường phố, trên màn ảnh nhỏ, trong các cuốn truyện tranh càng “củng cố” thêm bài học xấu. Trẻ ngây thơ nghĩ rằng, chỉ có dùng bạo lực mới hữu hiệu, hơn nữa cũng tạo nên sự hấp dẫn và lôi cuốn(?). Cái xấu nói chung và bạo lực nói riêng đang hàng ngày hàng giờ diễn ra xung quanh đứa trẻ cứ âm thầm tác động vào mọi ngõ ngách tâm hồn non nớt nên dễ lây lan vào nhà trường bằng nhiều con đường.
Trong lúc đó luật pháp quy định chưa hợp lý về trách nhiệm pháp luật của người gây hại nhất là về tâm lý. Đồng thời ý thức chấp hành pháp luật của người lớn còn thấp chưa đủ làm gương…
3. Nói như vậy không có nghĩa là ngành giáo dục đứng ngoài cuộc. Công bằng mà nói nhà trường cũng có lỗi trong việc này. Chương trình dạy giáo dục công dân và đánh giá đạo đức học sinh dựa vào SGK với kiến thức khô cứng, máy móc và nặng về hình thức. Thiết kế nội dung chương trình học môn giáo dục công dân, tiếng Việt và các môn khác ôm đồm, ham kiến thức xa vời mà nhẹ kiến thức đời thường. Trong khi đó lại không dạy về cách tự bảo vệ, cư xử với bạn, tự giải quyết xích mích một cách văn minh, dám can thiệp bảo vệ kẻ yếu; xâm phạm nhân phẩm – thân thể người khác là phạm pháp, phải bị xử lý theo luật… Đó là những điều thiết thực nhất trong cuộc sống lại bỏ qua. Ai cũng biết đạo đức – giáo dục công dân là môn không thi mà không thi thì học sinh không học vì thi gì học nấy. Cũng từ đó giáo viên dạy ít đầu tư công sức, hiệu trưởng lơ là kiểm tra. Có khi môn học này được “cho qua” để ưu tiên các môn học khác.
Theo tôi, giáo dục đạo đức không chỉ nằm trong chương trình giáo dục công dân mà phải được lồng ghép và nằm trong tất cả các môn. Đồng thời phải thay đổi cách thiết kế nội dung chương trình giáo dục đạo đức. Nên dạy những điều cơ bản, thiết thực, gần gũi và hấp dẫn hơn. Chỉ dạy vấn đề nhỏ mà các em nắm chắc và vận dụng được hơn là dạy vấn đề cao xa mà học sinh không vận dụng được. Các em học sinh hình như đang bị đẩy vào tình cảnh học chữ quá căng thẳng nên không có thời gian sinh hoạt tập thể với nhau, trong lúc đó đạo đức đối nhân xử thế lại được hình thành qua rèn luyện trong thực tế, trong tiếp xúc và va chạm với nhau. Chúng ta còn trọng dạy chữ hơn dạy người.
Một cảnh đánh nhau giữa các bạn nữ sinh. Ảnh: I.T |
Đây là vấn đề của Bộ GD-ĐT cần nhìn lại và giải quyết. Nên thay đổi cách dạy và cách đánh giá học sinh. Giáo viên dạy làm sao để đi vào lòng học sinh, hình thành không chỉ kiến thức mà cả tình cảm, tâm hồn các em như một số thầy cô đã làm. Đây là vấn đề và trách nhiệm của giáo viên.
4. Chúng ta cần có quy định rõ và cụ thể các hình thức chế tài những học sinh sử dụng bạo lực, xâm phạm thân thể nhân phẩm, danh dự của bạn và thông báo rõ cho phụ huynh. Học sinh quá cá biệt thì đưa vào trường giáo dưỡng cho cha mẹ khác an tâm. Hơn ai hết, giáo viên phải sâu sát học sinh cá biệt. Về phía gia đình, cha mẹ nên dành thời gian nhiều hơn, gần gũi và làm bạn với con để dạy con đúng cách và có hiệu quả. Người thầy dạy đạo đức đầu tiên và quan trọng nhất của con chính là cha mẹ là điều quả không sai. Gia đình có gia phong, gia đạo sẽ để lại trong đứa trẻ dấu ấn tốt không bao giờ phai nhạt.
Mong mỏi ngoài xã hội tránh quảng bá bạo lực, đánh đấm nhau. Phim ảnh, ti vi, sách báo tăng cường các giờ phát sóng, các bài viết về cách dạy trẻ, bảo vệ trẻ. Mặt khác huy động các nhà sư phạm, những người có nhiệt thành với giáo dục trẻ em đi nói chuyện với phụ huynh và học sinh. Song song đó, cơ quan bảo vệ pháp luật ra tay kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm về BLHĐ.
TS. Hồ Thiệu Hùng
Bình luận (0)