Cuốn sách Trên đường băng của Tony Buổi sáng đã gây ấn tượng sâu sắc đối với nhiều độc giả trong thời gian qua, trong đó có tôi – một giáo viên dạy văn.
Một tiết học sinh động giáo dục đạo đức trong môn giáo dục công dân của thầy Trần Tuấn Anh (giáo viên Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM) |
Những câu chuyện rất đời thường dễ hiểu, tuy nhiên có thực hiện được hay không đối với nhiều người là cả một quá trình. Thông điệp mà tác giả gửi gắm rất cần thiết cho mọi lứa tuổi, nhất là giới trẻ hôm nay. Mỗi lần đọc sách là tôi như được thăng hoa cùng những câu chữ ấy. Những bài viết của Tony đã cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc dù là một câu chuyện pha chút hài hước hay đượm buồn. Tất cả đều mang ý nghĩa thiết thực với cuộc sống. Vì thế tôi đã giới thiệu cho học sinh của mình về cuốn sách đó.
Từ những gì tôi đọc và cảm nhận được, từ những gì thực tế cuộc sống hiện nay (cách dạy con từ gia đình và lối sống của giới trẻ…), tôi đã đưa cuốn sách này vào dạy học sinh. Nói dạy thì to tát vậy thôi chứ thực ra là để chia sẻ và giúp các em có những bài học quý từ cuốn sách. Trên đường băng với những bài viết về thái độ sống, học tập, làm việc và cách ứng phó văn minh, nghĩa tình trong cuộc sống là những bài học quý truyền cảm hứng không chỉ dành cho bạn trẻ mà còn cho những lứa tuổi khác nhau sống hết mình, sống nhân văn hơn. Ngày đầu giới thiệu về cuốn sách, học sinh khá lạ lẫm bởi hai lí do. Thứ nhất, thời gian học tập của các em khá nhiều nên việc tìm đọc một cuốn sách hay không phải là điều dễ dàng; các em cũng ít hiểu biết kiến thức xã hội bởi lịch học khép kín. Thứ hai, các em cũng ít có thói quen đọc sách, văn hóa đọc bị “lép” so với văn hóa nghe – nhìn; nếu đọc thì các em thường chọn truyện tranh để giải trí. Bởi vậy, khi hỏi những em nào từng biết, nghe đến cuốn sách này thì số lượng chưa đủ đếm trên đầu ngón tay.
Mấy tuần qua, tôi đã dành thời gian cùng học sinh “thảo luận bàn tròn” về cuốn sách. Có hôm tôi dành nguyên một tiết, còn thường thì khoảng 15 phút đầu giờ hoặc cuối giờ để chia sẻ cùng các em. Học sinh rất hứng thú với những câu chuyện trong từng trang viết. Có thể nói, khi tiếp nhận nội dung của các bài viết, tinh thần học tập từ kiến thức sách vở đến vận dụng cuộc sống đã tạo cho các em cái nhìn mới hơn, thiết thực hơn. Những nụ cười sảng khoái, các câu trả lời dí dỏm và những bài học quý được vận dụng từ “đường băng” đầy sức sống. Thầy trò có những phút giây cùng nhau thoát khỏi kiến thức sách vở để đến với kiến thức thực tế này. Thầy đặt ra những câu hỏi, trò vận dụng thực tế để trả lời. Đơn giản, vui và ý nghĩa. Dù chỉ 15 phút, đọc và chia sẻ vài câu chuyện cũng đủ để thầy trò vui và có thêm bài học lí thú.
Tôi tin rằng, khi đọc cuốn sách này độc giả sẽ có nhiều suy ngẫm, học hỏi và sống tốt hơn đối với những người xung quanh và đối với cuộc đời. Bởi vậy, mượn cuốn sách này để dạy học sinh là tôi truyền cảm hứng cho các em những bài học tiến thân, lập nghiệp, rèn luyện chí tiến thủ mà trước hết là cách đối nhân xử thế. Đây cũng là cách dạy kỹ năng sống cho học sinh qua những tác phẩm văn học mang hơi thở của cuộc sống ở bên ngoài lớp học.
Thái Hoàng
(Giáo viên Trường THPT
Thành Nhân, TP.HCM)
Bình luận (0)