Theo một nghiên cứu về chỉ số thông thạo Anh ngữ EPI (English Proficiency Index) xếp hạng năng lực thông thạo Anh ngữ của người trưởng thành tại 63 quốc gia và vùng lãnh thổ không nói tiếng Anh do Tổ chức EF (Education Fist) thực hiện năm 2014, Việt Nam được xếp hạng ở mức độ thấp với chỉ số EPI đạt 51.57, xếp thứ 33/63 quốc gia và xếp thứ 9/14 quốc gia được nghiên cứu ở châu Á.
Có một thực thực tế là rất nhiều người biết tiếng Anh, nhưng để sử dụng tiếng Anh như một công cụ trong giao tiếp và làm việc thì lại rất ít người làm được.
Học nhiều vẫn “giậm chân tại chỗ”
Tại một hội thảo về tiếng Anh do một trung tâm Anh ngữ tổ chức, anh Đặng Viết Hoàng (nhân viên phục vụ mặt đất tại Sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM) cho biết anh có 12 năm học tiếng Anh, gồm 7 năm trung học, 4 năm ĐH và 1 năm tự học nhưng vẫn không thể sử dụng chúng trong giao tiếp hàng ngày. Khi buộc phải nói chuyện với người nước ngoài, anh chỉ dám trả lời “yes/no” và một số câu ngắn gọn vì nói câu dài… không ai hiểu. “Không ít lần, tôi phải nhờ người nước ngoài viết yêu cầu ra giấy và thực hiện đúng theo yêu cầu. Tôi hầu như không nghe được gì từ họ”, anh Hoàng chia sẻ.
Tương tự, chị Võ Ngọc Dung (nhân viên một công ty xuất nhập khẩu tại TP.HCM) thừa nhận: “Tôi không dám gọi điện cho đối tác ở nước ngoài để xác nhận thông tin, do đó mọi thủ tục dù có gấp gáp thế nào tôi đều sử dụng email trao đổi rồi hồi hộp đợi hồi âm của khách hàng. Tôi có thể đọc và hiểu những gì họ viết, có thể viết câu, từ chuẩn xác nhưng lại không biết phải nói sao cho họ hiểu”.
Giáo viên bản ngữ hướng dẫn học sinh THPT học ngoại ngữ |
Trên thực tế, việc thất bại trong giao tiếp tiếng Anh dẫn đến hậu quả “ông nói gà, bà nói vịt” là điều vẫn thường xảy ra với những người biết tiếng Anh, dù họ đã bỏ ra rất nhiều thời gian học tập. Phân tích nguyên nhân dẫn đến hệ lụy này, ông Vincent Nguyễn (giáo viên tại Trung tâm Anh ngữ New York Springboard) nhìn nhận: “5 năm trở lại đây, tôi thường tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh cho các bạn trẻ. Đa số các bạn đều mắc sai lầm cơ bản trong việc học tiếng Anh như tập trung quá nhiều vào ngữ pháp mà không chú ý đến giao tiếp. Điều đó dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng là kỹ năng nghe – nói của các bạn không có, cộng với nỗi sợ hãi khi nói chuyện với người nước ngoài, các bạn có bỏ bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc thì vốn tiếng Anh cũng không thể cải thiện được”.
Một thực tế nữa vẫn thường thấy ở cả những người nói được tiếng Anh là thiếu sức hút trong câu chuyện khi giao tiếp. Chị Đinh Thùy Linh (đại diện Tổ chức Giáo dục Pascal) đánh giá: Người Việt Nam hầu như chỉ biết trả lời và hỏi theo lối mòn chứ chưa biết phát triển câu chuyện để hấp dẫn người khác. Khi gặp người mới, chúng ta thường bắt đầu bằng những câu hỏi như: “What’s your name?”, “How old are you?”, “What’s your job?”…, nhưng ít khi phát triển vấn đề xung quanh những câu hỏi đó. Khi được hỏi: “How are you?”, họ sẽ trả lời như một cái máy rằng: “I am fine, thank you. And you?”. Hoặc khi được hỏi: “Why do you love her?”, họ chỉ trả lời ngắn gọn theo kiểu “Because she is beautiful” và kết thúc câu chuyện ở đó. “Trong mối quan hệ xã giao, người Việt Nam hầu như chỉ biết trả lời và trả lời rất ngắn gọn theo kiểu “nhát gừng” chứ ít khi hỏi lại và phát triển câu chuyện. Điều này sẽ không gây hứng thú cho người đối diện, khiến họ có cảm giác “À, người này không thích nói chuyện với mình”, hay “Người này không lịch sự”… và sẽ bỏ đi. Vô tình, chúng ta đánh mất thiện cảm với người đối diện, đánh mất cơ hội rèn luyện kỹ năng nghe – nói trong tiếng Anh và có thể đánh mất luôn mối quan hệ tốt đẹp cần có trong công việc”, chị Linh nói.
Đừng chỉ nói tiếng Anh với… người Việt
Đa số các bạn đều mắc sai lầm cơ bản trong việc học tiếng Anh như tập trung quá nhiều vào ngữ pháp mà không chú ý đến giao tiếp. |
Hiện nay, người Việt Nam biết sử dụng tiếng Anh rất nhiều, thế nhưng, trên thực tế nhiều người chỉ tự tin nói tiếng Anh khi giao tiếp với… người Việt. Nhiều người học tiếng Anh bằng cách tìm đến các câu lạc bộ tiếng Anh hay tìm một nhóm bạn rồi cùng thảo luận. Một số khác tìm đến những người có vốn tiếng Anh giỏi hơn mình để học hỏi. Dĩ nhiên, điều này sẽ tạo nên tính tích cực, khiến người học tự tin và phát triển được nhiều kỹ năng cần có. Tuy nhiên, về lâu dài phương pháp này sẽ khiến người học ngại nói khi tiếp xúc với người nước ngoài, đồng thời khiến cho kỹ năng nghe và nói tiếng Anh không đạt yêu cầu, rơi vào những tình huống đã phân tích ở trên.
Ông Jesse Peterson (giáo viên tiếng Anh tại Trung tâm New York Springroad) khẳng định rằng nền tảng của việc học tiếng Anh hiệu quả là nằm ở phần phát âm. “Bạn nên giao tiếp nhiều trong tiếng Anh, nhất là với người nước ngoài vì bạn sẽ dễ dàng phát hiện lỗi sai trong cách phát âm và lối giao tiếp của mình. Nhiều người thường tự ti khi giao tiếp vì cho rằng vốn từ vựng và ngữ pháp của họ chưa đủ chắc. Tất nhiên, tôi không hề phủ nhận tầm quan trọng của việc học ngữ pháp, nhưng bạn cũng đừng quá chú trọng tới điều đó, trừ khi bạn muốn trở thành một nhà văn chuyên viết bằng tiếng Anh”, ông Jesse Peterson chia sẻ.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Chán nản vì không “hấp thụ” được Ông Vincent Nguyễn cho biết do người học chỉ chú trọng vào phần ngữ pháp, từ vựng, cấu trúc câu nên dù trải qua nhiều cấp học với các loại giáo trình khác nhau, người học khi học đến phần nào cũng cảm thấy “nửa lạ, nửa quen” vì đã bắt gặp đâu đó ở các lớp dưới. “Họ sẽ cảm thấy vòng tròn học tiếng Anh bị lặp lại bởi những thì hiện tại đơn (S+V), hiện tại hoàn thành (S+have/has+Vpt), hiện tại tiếp diễn (S+be+Ving)… và nhanh chóng cảm thấy chán nản vì những thứ đó đã học rồi, biết rồi…”, Vincent Nguyễn nói. |
Bình luận (0)