Khó có một định nghĩa bao quát, đầy đủ thế nào là học sinh giỏi (HSG) văn vì có rất nhiều vấn đề được đặt ra…
Một tiết học môn văn của học sinh THPT (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Theo tôi, hiểu cơ bản về HSG văn là: Có năng khiếu về môn văn; có năng lực cao, khác lạ về cảm nhận văn học; giải quyết một bài văn luôn sáng tạo, độc đáo, không theo khuôn mẫu nào có sẵn… Trước một đối tượng người học như thế, người dạy cũng phải thực sự giỏi văn; có năng lực cảm thụ cao, có năng khiếu về bộ môn thì mới phát hiện được cái hay, cái đặc sắc trong bài của học sinh. Có thầy giỏi thì trò mới giỏi, nhưng trò phải giỏi trước; gặp thầy giỏi mới định hướng, phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt yếu để hoàn thiện. Có những trường hợp thầy chỉ “thường thường bậc trung” lại đi dạy HSG! Điều này gây khổ tâm cho cả trò lẫn thầy.
Người thầy giỏi văn phải thực sự giỏi, biết rất nhiều chiều rộng lẫn chiều sâu về văn học và các bộ môn liên quan. Đọc nhiều và nhớ nhiều, nhớ sâu vấn đề và vận dụng linh hoạt vào công tác giảng dạy. Người thầy giỏi văn phải là người hỏi đâu đáp đó và đáp chính xác. Đam mê bộ môn, cháy hết mình vì bộ môn. Có như vậy mới “truyền lửa” cho học sinh được. Nếu trong tim mình không có ngọn lửa yêu thích, đam mê thì làm sao cháy lên được. Trong cuốn “Đaghextan của tôi” có viết: “Có thể qua nhà hàng xóm để xin lửa về nhóm bếp nhà mình nhưng không thể xin lửa về nhóm trong tim mình”. Chuyện kể trong một kỳ thi HSG, hai giám khảo chấm bài và hỏi nhau: “Bài của thí sinh này trích dẫn câu nói của Ra-xun Gamzatốp. Không biết ông nhà văn này ở đâu mà có câu nói sâu sắc quá!”. Chắc giáo viên này chưa từng đọc cuốn “Đaghextan của tôi” của tác giả này.
Học sinh nhiều khi cũng còn ngộ nhận, chỉ vì yêu thích chút đỉnh thôi nhưng cứ ngỡ mình học giỏi văn. Không đơn giản vậy được! Tôi có hỏi các em lớp chuyên văn của trường tôi: “Dế Mèn phiêu lưu ký” đã đọc chưa? Nhiều em lắc đầu. Đã đọc “Đất rừng phương Nam”, “Hương rừng Cà Mau” chưa… thì cũng lại lắc đầu. Học sinh lớp chuyên văn mà lười đọc sách, lười tìm hiểu; không đọc báo để rèn luyện cách viết văn nghị luận xã hội; không đọc sách để có vốn văn học, vốn sống, kỹ năng sống… thì khó trở thành HSG văn thực sự được. Khi rèn luyện cách viết câu văn hình ảnh, các em hầu như không viết nổi bởi sự liên tưởng, tưởng tượng còn kém. Ví dụ, với câu thơ “Lặn lội thân cò khi quãng vắng” (Thương vợ – Trần Tế Xương), các em chỉ biết cảm nhận là “tác giả đưa chất liệu ca dao vào câu thơ một cách tự nhiên”. Nhưng khi tôi nói “Con cò từ trong ca dao nhẹ nhàng đậu xuống câu thơ của Tú Xương” thì các em ồ lên thích thú! Đó là cách cảm nhận của HSG văn, rất độc đáo, lạ và đầy hình ảnh. Về phía giáo viên, cũng phải biết cách chấp nhận mọi cách cảm, cách nghĩ của HSG; không thể theo máy móc, khuôn mẫu khô cứng được. Phải trân trọng, nâng niu, biết ươm mầm từ những phát hiện nhỏ nhưng ý nghĩa; khơi dậy lòng say mê, lòng tự tin của các em. Biết cách động viên kịp thời để các em luôn hướng tới những tìm tòi mới lạ.
Thạch Hoài Lam (Sóc Trăng)
Bình luận (0)