Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Viết tiếp bài Học sinh học thêm… ngoài trường: Cần sự điều chỉnh hợp tình hợp lý

Tạp Chí Giáo Dục

Trường học không được tổ chức dạy thêm – học thêm (DT-HT) đồng nghĩa với việc tạo cơ hội cho các cơ sở, trung tâm bên ngoài hoạt động. Tuy nhiên, việc DT-HT bên ngoài trường có đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình dạy…?

Sau giờ học chính khóa, một số học sinh đến cơ sở gần trường để học thêm. Ảnh chụp học sinh một trường tiểu học ở Q.Bình Thạnh

Dưới đây là ý kiến của một số lãnh đạo trường học và giáo viên về vấn đề này.

Thầy Trần Quang Nhiên (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chính Nghĩa, Q.5): Giáo viên củng cố kiến thức là chính

Vấn đề đáng lo ngại khi DT-HT được tổ chức ở các cơ sở, trung tâm bên ngoài đó là phòng ốc, bàn ghế, ánh sáng, năng lực đội ngũ giảng dạy, chương trình… liệu có đảm bảo theo quy định? Công tác quản lý, giám sát, đặc biệt là ở các cơ sở nhỏ được thuê từ nhà dân liệu có chặt chẽ? Trong khi đó, lợi thế khi học sinh ở lại trường đó là cơ sở vật chất đầy đủ. Còn giáo viên thì nắm bắt, hiểu rõ năng lực, tính cách của từng em nên dễ dàng kèm cặp, hỗ trợ thêm các em. Chưa hết, việc tổ chức học còn có sự giám sát của ban giám hiệu. Ở bậc tiểu học, nếu nói là học thêm thì cũng không đúng. Những em đăng ký học phần lớn có cha mẹ không kịp đón về đúng giờ tan học, hoặc những em có học lực quá yếu. Theo đó, các em ở lại trường được giáo viên trông nom, ôn bài, củng cố kiến thức là chính.

Cô Nguyễn Thị Hồng (giáo viên Trường Quốc tế Mỹ, Q.2): Chỉ tổ chức dạy thêm khi phụ huynh đề nghị

Theo tôi, nên chăng giao cho nhà trường thực hiện việc DT-HT; lãnh đạo mỗi đơn vị có trách nhiệm quản lý nghiêm, chặt chẽ sẽ khó xảy ra tiêu cực. Theo đó, các trường chỉ tổ chức DT-HT khi có đơn đề nghị của phụ huynh thì sẽ không xảy ra tình trạng ép buộc học sinh học thêm; trù ém học sinh nếu không học thêm; thậm chí không ảnh hưởng đến giáo viên. Mỗi lớp học hiện nay có khoảng 40 học sinh, sẽ có học sinh khá, giỏi, trung bình. Như vậy, không phải tất cả 40 phụ huynh đều có nhu cầu viết đơn cho con đi học thêm. Dựa vào đây, vấn đề xác định chuyện tiêu cực sẽ rất dễ và khoanh vùng nếu như giáo viên vi phạm.

Lãnh đạo một trường tiểu học ở Q.3: Hiệu trưởng chịu trách nhiệm đứng ra quản lý

Để DT-HT đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu người học và người dạy thì nên giao cho nhà trường thực hiện, và hiệu trưởng chịu trách nhiệm đứng ra quản lý. Thứ nhất, nhà trường có sẵn điều kiện cơ sở vật chất. Thứ hai, giáo viên là người có trình độ, nắm bắt được năng lực học sinh sẽ kèm cặp các em tốt hơn. Theo đó, các thầy cô sẽ biết cần dạy cái gì, nâng cao cái gì… Để tránh tiêu cực, nhà trường chỉ dạy thêm khi có đơn yêu cầu của phụ huynh. Bản thân hiệu trưởng là người quản lý thì không khó để nắm bắt trường hợp giáo viên vi phạm. Nếu phát hiện, hiệu trưởng xử lý nghiêm khắc theo hướng dẫn, quy định cụ thể của ngành. Còn hiệu trưởng mà làm không tốt cũng chịu trách nhiệm trước các quy định của ngành.

Thầy Phạm Phương Hậu (giáo viên Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, Q.5): Không phải tất cả giáo viên đều tiêu cực

Không cho tổ chức DT-HT trong nhà trường, nhiều phụ huynh sẽ gặp khó vì bắt buộc phải đến trường sớm để đón con, ảnh hưởng đến công việc, thời gian, giao thông. Phải nói thẳng, nhu cầu phụ huynh cho con học thêm là có, đặc biệt ở các bậc học cao. Đơn cử như khi có quyết định cấm dạy thêm trong trường, một số học sinh học lớp 11 thân quen đã đến nhờ tôi tìm giúp giáo viên dạy toán, tiếng Anh với mục đích nâng cao kiến thức và chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi. Và cũng không thể phủ nhận, nhu cầu dạy thêm để tăng thu nhập của giáo viên cũng có. Đơn cử, một giáo sinh mới về trường dạy, lương chỉ được 2,8 triệu đồng/tháng, còn giáo viên lâu năm thì từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Với cuộc sống hiện nay, giá cả đắt đỏ, phải chi tiêu nhiều khoản trong khi mức lương quá thấp thì không đủ trang trải cuộc sống cá nhân, nuôi con cái thì làm sao mà dành trọn tâm huyết cho nghề. Đúng là có những giáo viên tiêu cực, làm ảnh hưởng đến học sinh, đến phụ huynh nhưng không phải tất cả giáo viên đều tiêu cực. Và không vì thế mà cấm tất cả, thậm chí cấm trường học cho tư nhân thuê cơ sở vật chất mở trung tâm.

Khi đưa ra một quyết định thì cần có sự khảo sát thực trạng, nhu cầu của xã hội để kiểm tra, đánh giá chính xác. Trường học có đầy đủ điều kiện tốt về cơ sở vật chất, con người, vậy tại sao chúng ta không tìm cách tổ chức thực hiện, quản lý cho hiệu quả.

Ngọc Trinh (ghi)

Bình luận (0)