Những ngày cuối tháng 5, các trường học chuẩn bị lễ tri ân và trưởng thành cho học sinh cuối cấp. Những buổi chia tay đầy xúc động; những lời tri ân cha mẹ, thầy cô sẽ được các em tự nói lên bằng tấm lòng chân thực của mình… Nếu làm được như vậy thì lễ tri ân và trưởng thành mới có ý nghĩa. Nhưng do quan niệm phải làm bài bản, có lớp lang nên nhiều khi buổi lễ thiêng liêng này bị sân khấu hóa bởi sự dàn dựng lộ liễu. Lời của trái tim đi tới trái tim là lời chân thành chứ không phải là lời dàn dựng theo “kịch bản”: bày tỏ tình thương với cha mẹ thì phải làm thế này, ôm làm sao, nước mắt phải chảy ra lúc nào; bày tỏ lòng thương nhớ thầy cô phải làm thế này thế khác; động tác đi đứng, cầm hoa, ánh mắt… như thế nào để “diễn” cho tròn vai, cho đạt. Như vậy người thực hiện (học sinh, cha mẹ, thầy cô) cảm thấy ngượng ngập vì tình huống không thật; không “trùng khớp” ở ngoài đời thực và người chứng kiến cũng cảm thấy không thật; khó “chảy nước mắt” vì cố ý “ứa lệ” hoài mà nó không ra. Do đó, theo tôi, chúng ta không nên lạm dụng sân khấu mà có thể tập hợp học sinh theo từng lớp ở sân trường, dưới bóng cây có trang trí đơn sơ mà ý nghĩa. Khi đó, các em sẽ mạnh dạn bày tỏ lòng mình, không bị “khớp” như lúc lên sân khấu. Những lời phát biểu cũng vậy, cứ để tự các em viết, diễn đạt. Trước đây, lời “tri ân” phải qua khâu “xét duyệt”, sửa đổi thì còn đâu lời diễn đạt của các em! Giáo viên chỉ định hướng nội dung, cách viết còn lại việc thể hiện dành cho các em tự xử lý trong buổi lễ. Có thể đôi chút còn vụng về, ngây thơ nhưng đó là lời thật, cử chỉ thật của các em; xuất phát tự lòng mình chứ không phải lời người khác, cử chỉ của người khác…
Lê Trường Sa
Học sinh Trường THCS-THPT Trương Vĩnh Ký (TP.HCM) tặng hoa cha mẹ trong ngày lễ tri ân và trưởng thành. Ảnh: N.Anh |
Lễ tri ân đúng nghĩa
Buổi lễ tri ân và trưởng thành mang đến những giá trị rất ý nghĩa đối với người tri ân và người được tri ân. Tại đây, các em học sinh có cơ hội bày tỏ nỗi niềm tâm sự của mình tới ông bà, cha mẹ, thầy cô…
Theo tôi, để buổi lễ thật sự ý nghĩa thì cần có nhiều yếu tố. Song, yếu tố quan trọng nhất vẫn là yếu tố “thật”. Sự chân thật trong lời nói, bài viết, cử chỉ từ các em học sinh dành cho người mà mình tri ân là điều rất quan trọng. Nó không chỉ quan trọng để tạo nên một buổi lễ biết ơn đúng nghĩa, mà còn lắng sâu trong tâm hồn của các em và người được tri ân. Dẫu lời nói, bài viết, những cử chỉ của học sinh còn ngây thơ, vụng về nhưng đó là điều rất thật từ tấm lòng của các em còn quý gấp bội đối với “sự hoàn hảo hình thức”.
Việc tổ chức lễ tri ân và trưởng thành đối với học sinh lớp 12 – tuổi 18 là điều rất cần thiết. Bởi sự tri ân ấy có ý nghĩa giáo dục rất lớn, rất thiết thực cho học sinh chuẩn bị hành trang vào đời. Những kỷ niệm đẹp, khó phai trong tâm hồn các em khi buổi lễ mang đậm ý nghĩa giáo dục từ tấm lòng thơm thảo của mình. Mong rằng gia đình và nhà trường đừng tạo ra giá trị ảo của buổi lễ bằng những kịch bản hoàn hảo mà khô khan. Hãy tạo ra giá trị thật để tâm hồn các em thực sự trong sáng, lắng sâu trong buổi lễ và trên đường đời. Cái đẹp luôn đi đôi với sự chân thật. Bởi thế, lễ tri ân và trưởng thành càng chân thật thì càng ý nghĩa và là bài học quý cho mỗi học sinh.
Hoàng Thái
Bình luận (0)