Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Viết tiếp bài Khi nhà trường, phụ huynh đều thích “điểm đẹp” (ngày 1-6): Điểm 10 “trong héo, ngoài tươi”

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, điểm 10 “nở rộ” ở các bậc học, nhất là ở tiểu học, khiến cho không ít người giật mình vì bệnh thành tích đang bủa vây, nhất là những nơi tập trung đông dân cư (thành phố, thị xã…). Nhiều chuyện tưởng như hiếm nhưng lại rất phổ biến hiện nay. Thứ nhất, học yếu vẫn… đạt điểm 10. Bạn tôi có đứa con đang học lớp 1 kể rằng, nhiều lần gặp cô giáo chủ nhiệm, cô thường cho hay con anh học yếu. Vợ chồng anh cũng thừa nhận như thế, vì thường xuyên kèm cặp con nên anh biết con mình học chậm. Thế nhưng, chuyện lạ là điểm kiểm tra học kỳ 1 và học kỳ 2 của con anh đều đạt điểm… 10 tròn trĩnh hai môn toán và tiếng Việt. Anh nhận ra đó là giá trị ảo, thấy điểm 10 chỉ ngao ngán lắc đầu. Thứ hai, đạt 5 điểm 10 vẫn không có giấy khen. Nhiều phụ huynh thắc mắc khi con thi đạt điểm 10 nhưng vẫn không có giấy khen. Không ít phụ huynh gọi điện thoại, đến tận nhà giáo viên chủ nhiệm, thậm chí gặp trực tiếp ban giám hiệu để… kiện. Phụ huynh kiện cũng có lý, vì không có lý do gì mà đạt điểm 10 lại không có giấy khen (tổng kết cuối năm 2 môn toán, tiếng Việt đối với lớp 1 và lớp 2; 3 môn toán, tiếng Việt và tiếng Anh đối với lớp 3; 5 môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh, khoa học, sử – địa đối với lớp 4 và 5). Do những năm trước “loạn” giấy khen nên Bộ GD-ĐT đã thay đổi. Theo Thông tư 22, ưu tiên xét chọn học sinh khen thưởng hoàn thành xuất sắc các môn học tập và rèn luyện, điều đó sẽ hạn chế phát giấy khen vô tội vạ. Cụ thể, để được khen thưởng học sinh xuất sắc không chỉ ở điểm kiểm tra học kỳ và cuối năm mà phải hoàn thành tốt nhiều mặt khác trong suốt năm học. Vì vậy, học sinh đạt điểm 10 mà không có giấy khen khiến phụ huynh… kiện cũng là điều dễ hiểu khi họ không biết Thông tư 22 này. Thế nhưng, vì bệnh thành tích nên điểm 10 vẫn “nở rộ”…

Điểm 10 để làm gì? Giá trị ảo đang gieo cho con trẻ ngay từ khi chân ướt chân ráo bước vào lớp 1 và kéo dài suốt 12 năm thời học sinh (thi tốt nghiệp THPT tính điểm học bạ, xét tuyển ĐH bằng điểm học bạ – điểm học bạ cao ngất ngưởng, điểm thi thấp lè tè) đã, đang và sẽ gây nhiều hệ lụy. Ngẫm… điểm 10 “nở rộ” toàn tập mà buồn. Điểm 10 của giá trị ảo chẳng khác nào những bông hoa “trong héo, ngoài tươi”.

T.Hoàng

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)