Tôi có hai đứa con (nay học lớp 3 và lớp 7), đã nhiều lần đi họp phụ huynh vào đầu năm học. Mỗi lần họp tôi thường phát biểu để xây dựng những điều tốt đẹp cho học sinh. Trước đây, việc làm ban đại diện cha mẹ học sinh tôi luôn… né, vì tôi thấy… không nên làm. Thế nhưng, nay tôi đã làm chức vụ đặc biệt này.
Một lần họp phụ huynh cuối năm cho con trai đầu (lớp 4), vì thư ký vắng mặt, không ai chịu viết biên bản nên tôi “xung phong” viết. Thế là khi con lên lớp 5, cô giáo chủ nhiệm đã đề xuất tôi làm thư ký, và tôi sẵn sàng nhận. Hôm họp phụ huynh cuối năm, cả trưởng ban và phó ban đều có việc bận, tôi thay mặt… làm tất. Buổi họp đầu năm khi con lên lớp 6, cô giáo chủ nhiệm mời phụ huynh ứng cử để bầu 3 người làm trưởng ban, phó ban và thư ký. Ai cũng… né. Chờ một lúc không thấy ai tự nguyện, tôi xung phong làm… chân thư ký. Tôi nói với các phụ huynh, vì tính chất công việc (đi làm xa) nên tôi chỉ xin làm thư ký. Nếu làm trưởng ban hay phó ban, tôi sợ mình sẽ không làm trọn nhiệm vụ, bởi tôi cũng là giáo viên, những hoạt động trùng lặp không kiêm nổi. Và tôi cũng nói rằng: “Làm ban đại diện cha mẹ học sinh, chẳng ai muốn làm. Nhưng vì con em mình, ai có điều kiện thuận lợi thì cố gắng giúp lớp”. Thế là một phụ huynh nữ xung phong làm trưởng ban. Vài phút sau, một phụ huynh nữ khác lại xung phong làm phó ban. Thế là… đủ ban. Sau khi họp phụ huynh của lớp, ban đại diện cha mẹ học sinh lại họp cùng ban giám hiệu nhà trường. Những ý kiến của phụ huynh, chúng tôi đã chuyển tải tới ban giám hiệu. Năm học 2019-2020, trưởng ban và phó ban đều từ chối… chức vụ này, do tính chất công việc không kiêm nổi. Tuy nhiên, cả hai đều sẵn sàng chung tay góp sức cùng ban đại diện cha mẹ học sinh mới. Thế là các phụ huynh trong lớp lại đề xuất tôi làm. Và tôi đã trở thành… trưởng ban không mong muốn. Khi phát biểu “nhậm chức”, tôi nói với các phụ huynh là mình sẽ làm và cố gắng hết sức với vai trò là trưởng ban, rất mong sự đồng hành của tập thể. Sau khi kết thúc cuộc họp ở lớp, ban đại diện cha mẹ học sinh các khối lớp họp với ban giám hiệu nhà trường. Những gì phụ huynh trong lớp thắc mắc, đề xuất, tôi lại truyền tải tới ban giám hiệu. Sau buổi họp đó, tôi viết lại nội dung cơ bản của buổi họp và in ra gửi tới tất cả phụ huynh trong lớp…
Với vai trò trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh, tôi thường xuyên liên lạc trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm để nắm tình hình học tập và những hoạt động của lớp, sau đó chuyển tải những nội dung quan trọng đến tất cả phụ huynh trong lớp biết. Tôi luôn tự hứa sẽ cố gắng làm được những việc tốt cho học sinh, cho phụ huynh và đồng hành cùng giáo viên chủ nhiệm để đạt được những… điều khác biệt. Từ đó phụ huynh càng đặt niềm tin hơn đối với ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp.
Hoàng Thái Hùng
Bình luận (0)