Đặt ra vấn đề phụ huynh (PH) đầu cấp không phải là một sự phân biệt đối xử mà là để nhà trường, giáo viên (nhất là giáo viên chủ nhiệm) quan tâm hơn và có cách thức ứng xử phù hợp hơn.
Một cuộc họp phụ huynh học sinh lớp 10 (ảnh minh họa). Ảnh: N.Tuấn
Bởi trên thực tế, bất kỳ PH nào có con đi học cũng trở thành PH đầu cấp nhưng không phải ai cũng nắm bắt kịp thời và đầy đủ cách học của con ở cấp học mới, một số vấn đề liên quan đến lứa tuổi mới… Và những điều đó có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục trẻ. Đặt ra vấn đề PH đầu cấp có thể nhiều người cho rằng không cần thiết. Tuy nhiên, có một số PH chưa tỏ ra “hòa nhập” với việc con mình đã học cấp học mới, với nhiều đòi hỏi mới, cách thức mới. Không kể bậc mầm non, trong các cấp học phổ thông, mỗi cấp đều có đặc điểm riêng về tâm sinh lý của trẻ, về chương trình, về cách thức dạy và học, về việc kiểm tra, đánh giá… Do đó, nếu PH chưa chủ động nắm bắt thì có thể có những hạn chế nhất định trong việc quan tâm, chăm sóc việc học của con em. Chẳng hạn, ở lớp 1, sự hòa nhập là điều rất quan trọng, khi trẻ từ chỗ đến trường vui chơi nhiều, sinh hoạt nhiều hơn học thì sang đây, trẻ phải làm quen với các con chữ, với việc đánh vần, tập viết, tập làm toán, tập tô màu… Vậy thì PH phải tìm hiểu, nắm bắt và động viên trẻ tham gia một cách tích cực việc học trong lớp, không được ham chơi, không được trông ra về, thực hiện các nếp sinh hoạt có kỷ luật (như xếp hàng, trật tự trong giờ học, tham gia một số sinh hoạt…). Bên cạnh đó, học sinh lớp 1 còn được “cầm tay chỉ việc” rất nhiều, được chăm sóc khá kỹ trong một số hoạt động (như ăn uống, chăm sóc bản thân, kể cả giáo viên phải dỗ dành khi nhớ ba mẹ…). Những điều đó có thể kéo dài thêm vài năm nữa trong bậc tiểu học, nên PH cần có sự quan tâm phù hợp và có cách thức quan tâm hợp lý khi con vào lớp 1. Ở lớp 6, trẻ phần nhiều ở tuổi chớm dậy thì (trên thực tế đã có một số bắt đầu dậy thì) với những thay đổi lớn về tâm sinh lý. Đôi khi ba mẹ vẫn thấy con còn nhỏ nhưng trẻ bắt đầu bước vào tuổi định hình nhân cách. Trong khi đó, cách dạy và học ở lớp 6 hoàn toàn khác lớp 5: trẻ phải chủ động nhiều hơn, số môn nhiều hơn, kiến thức phong phú hơn, việc kiểm tra, đánh giá cũng khác hơn (tất cả đều cho điểm bằng số, đánh giá nhiều lần trong một học kỳ (thường 3 lần mỗi học kỳ), có xếp hạng… Sự tự lập của trẻ cũng đã thể hiện nhiều hơn, nên trẻ được giao thêm nhiều nhiệm vụ trong học tập, sinh hoạt. Nếu PH vẫn quan tâm việc học của con như ở tiểu học thì có thể không còn phù hợp. Ở lớp 10, trẻ bước vào tuổi hoàn thiện nhân cách, một số trẻ tỏ ra có hoài bão lớn lao, có những dự định xa cho tương lai. Sự phân hóa về năng lực và xu hướng học tập, xu hướng nghề nghiệp cũng dần hình thành. Trong dạy và học, trẻ càng được trao quyền chủ động, tăng cường làm việc nhóm, trong khi kiến thức ngày càng chuyên sâu, độ khó tăng dần lên. Trẻ có độ trưởng thành đáng kể, như trong việc đi lại (phần nhiều đã tự đi học), trong sinh hoạt (chủ động tham gia các hoạt động chính khóa và ngoại khóa chứ không nhất thiết theo ý kiến PH nữa). Trong kiểm tra, đánh giá, nhìn chung có một số thay đổi, như giảm thuộc lòng, tăng tính sáng tạo, tăng các bài thuyết trình và thực hành, cho trẻ nhiều cơ hội được thể hiện cá tính, năng lực của mình… Do vậy, PH không thể chăm trẻ như một đứa bé mà nên tạo điều kiện cho trẻ phát triển và trưởng thành thực sự, cả trong nhận thức và hành động.
Với các đặc điểm đó, ở đầu mỗi cấp, nhà trường nên bố trí giáo viên thực sự có kinh nghiệm, có năng lực, có kỹ năng ứng xử tốt… để làm chủ nhiệm, thay vì phân công ngẫu nhiên hoặc luân phiên. Trong cuộc họp PH đầu năm (nên tổ chức sớm, có thể trước cả khai giảng), giáo viên chủ nhiệm nên thông tin khái quát tình hình học ở lớp đầu cấp đó, có những điểm gì khác so với cấp dưới trong việc học, việc kiểm tra, đánh giá, việc tổ chức sinh hoạt trong nhà trường cùng các yêu cầu khác. Giáo viên nên để cho PH đặt các câu hỏi và trả lời đầy đủ các vấn đề có liên quan đến việc học và sinh hoạt của trẻ ở lớp mới này. Chẳng hạn, ở tiểu học, hầu hết giáo viên đều làm “sổ báo bài” để trẻ đem về nhà cho PH kiểm tra tình hình học của trẻ trên lớp (học môn gì, cần chuẩn bị gì, có gì cần nhắc nhở, lưu ý…) nhưng sang THCS, trẻ phải tự ghi nhớ điều đó. Do vậy, nếu PH có thắc mắc vì sao không tiếp tục việc này hoặc đề nghị cần thực hiện một hình thức tương tự thì giáo viên phải giải thích cặn kẽ, hợp tình hợp lý. Với việc được biết rõ chương trình học, cách giảng dạy, cách thức kiểm tra…, PH có thể có sự chuẩn bị cần thiết về tâm lý lẫn các điều kiện khác để theo dõi việc học của con. Chẳng hạn, PH khảo bài cho học sinh lớp 6 thì gần như phải bắt trẻ thuộc nguyên văn nhưng với học sinh lớp 10, PH nào có điều kiện thì có thể giảng giải cho trẻ hiểu vấn đề và diễn đạt cơ bản vấn đề được hướng dẫn đó chứ không nhất thiết thuộc lòng (thậm chí không khuyến khích thuộc kiểu “học vẹt”).
Như vậy, có thể thấy, vai trò của giáo viên chủ nhiệm ở từng cấp học có sự khác biệt nhất định. Ở tiểu học, giáo viên chủ nhiệm là một giáo viên “đa năng”, theo sát trẻ gần như suốt thời gian ở trường (có khi cả trong lúc trẻ học bán trú ăn và ngủ), nhưng ở THCS và THPT, giáo viên chỉ là người giám sát từ xa, nhưng việc giám sát càng chặt và sự trao đổi với PH càng kịp thời thì sự phối hợp trong giáo dục trẻ càng được thực hiện tốt. Tất cả những điều đó có thể có ảnh hưởng từ việc khởi đầu ở đầu cấp. Do đó, đặt ra vấn đề PH đầu cấp thực ra là một đòi hỏi về sự chủ động và chuẩn bị tích cực của nhà trường, của giáo viên chủ nhiệm để tạo ra một nền tảng tốt về sự quan tâm của PH đối với việc học của con em mình một cách phù hợp với cấp học.
Trúc Giang
Bình luận (0)