Lâu nay, nhiều cơ sở giáo dục địa phương lấy tên trường dành cho học sinh giỏi nhưng lại gọi là trường năng khiếu. Vì thế, thi học sinh giỏi cũng gọi là thi chọn học sinh năng khiếu. Ví dụ như tên “Kỳ thi chọn học sinh năng khiếu cấp huyện” của huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) vừa qua.
Các em học sinh trao đổi sau buổi thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Theo tôi, dùng khái niệm học sinh năng khiếu là không đúng; cần phân biệt học sinh giỏi và học sinh năng khiếu trong nhà trường phổ thông. Chữ “năng khiếu” ban đầu chỉ những người có tài về các giác quan: tai, mũi, mắt miệng…, nhưng về sau khái niệm này dùng rộng hơn, chỉ những người có tài vượt trội ở một lĩnh vực nào đó như: âm nhạc, hội họa, điêu khắc, thơ văn, múa, thể dục thể thao… Năng khiếu thường bộc lộ rất sớm, vì thế người có năng khiếu muốn thành tài phải rèn luyện từ nhỏ để phát triển năng khiếu ấy. Những học sinh có năng khiếu âm nhạc học đàn từ lúc 5-7 tuổi; các em có năng khiếu múa hoặc thể dục dụng cụ luyện tập từ khi 3-5 tuổi… Năng khiếu thơ cũng như thế, em bé 7-8 tuổi có thể làm thơ rồi. Năng khiếu vốn là trời cho “thiên bẩm”, thậm chí là chuyện “trời đày”, nói như Nguyễn Bính: “Riêng tôi giời bắt làm thi sĩ”. Không phải ai muốn cũng có năng khiếu, cũng không phải cứ luyện tập nhiều, học thật chăm chỉ, hiểu biết thật nhiều là có năng khiếu. Việc luyện tập rất quan trọng, nhưng chỉ quan trọng sau khi đã biết có năng khiếu. Còn khi đã không có năng khiếu thì luyện tập mấy cũng không thành tài. Lê-nin nói: “Có lột da tôi, tôi cũng không làm nổi 2 câu thơ”, vì ông không có năng khiếu thơ. Trong khi đó, Trần Đăng Khoa 7-8 tuổi đã có thơ hay vì anh có năng khiếu thơ. Mấy lần đi với Trần Đăng Khoa, anh bảo: “Ông có tin là tôi có thể làm thơ về bất kể cái gì nếu ông yêu cầu không?”. Rồi anh chứng minh luôn, đọc thơ luôn về một đề tài vừa nhìn ngay trước mặt… nghe cũng rất được. Phải có năng khiếu mới làm được thế.
Học sinh giỏi có thể không phải là học sinh năng khiếu. Tất nhiên có những học sinh giỏi đồng thời là học sinh năng khiếu, nhưng không phải cứ học sinh giỏi là có năng khiếu và ngược lại. |
Học sinh giỏi có thể không phải là học sinh năng khiếu. Tất nhiên có những học sinh giỏi đồng thời là học sinh năng khiếu, nhưng không phải cứ học sinh giỏi là có năng khiếu và ngược lại. Cũng như có nhà thơ làm thơ rất hay, nhưng không viết được phê bình, nghiên cứu về thơ; ngược lại có nhà phê bình thơ rất giỏi nhưng lại không làm được thơ hay. Tất nhiên cũng có nhà thơ vừa làm thơ hay, vừa viết phê bình văn học giỏi như Xuân Diệu, Chế Lan Viên…, hoặc sau này như Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo… Học sinh giỏi là những học sinh có năng lực nổi trội về một môn học nào đó trong nhà trường phổ thông. Cho nên các trường chuyên cấp THPT đều mang tên: Trường THPT chuyên… Có nghĩa là loại trường này mang 2 tính chất: phổ thông + chuyên. “Chuyên” ở đây là chuyên sâu, chuyên về một môn học, nhưng trước đó vẫn phải là học sinh THPT. Học sinh giỏi môn ngữ văn không cần chứng minh mình biết viết truyện, làm thơ. Thi học sinh giỏi văn lâu nay (trừ thời phong kiến) không ai ra đề bắt làm thơ, viết truyện ngắn cả. Học sinh giỏi văn cần chứng minh về năng lực tiếp nhận, tìm hiểu, khám phá tác phẩm, tác giả văn học (năng lực đọc) và biết viết bài văn từ đúng đến hay theo một kiểu văn bản nào đó được học; bài viết càng ít lỗi càng tốt (năng lực viết). Đúng ra học sinh giỏi môn ngữ văn cũng cần chứng minh năng lực nói và nghe như học sinh giỏi môn ngoại ngữ. Những kiến thức về lịch sử văn học, lý luận văn học và kiến thức đời sống, cùng các trải nghiệm của người học sinh giỏi được thể hiện trong năng lực đọc, khám phá, tiếp nhận cũng như năng lực tạo lập văn bản rồi.
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (ảnh minh họa). Ảnh: Đ.Yến
Số học sinh có năng khiếu không nhiều, thậm chí hiếm, nhà trường không tạo ra được mà chỉ bồi dưỡng vun đắp khi các em có năng khiếu. Nhưng học sinh giỏi thì khác, nhà trường phổ thông có thể bồi dưỡng, đào tạo theo trường lớp ở nhiều lúc, nhiều nơi, miễn là có giáo viên giỏi và tâm huyết, có học sinh say mê môn học đó. Do tính chất và đối tượng khác nhau nên thi chọn học sinh năng khiếu và thi chọn học sinh giỏi phải khác nhau. Với lĩnh vực văn học, thi chọn học sinh năng khiếu cần xác định và lựa chọn được những em có khả năng biết viết truyện, làm thơ…, nghĩa là biết sáng tác văn học, nhất là loại tác phẩm tưởng tượng, hư cấu. Trong khi thi chọn học sinh giỏi môn ngữ văn cần đánh giá và lựa chọn được những em có năng lực đọc hiểu tác phẩm văn học theo một thể loại nào đó (thơ, truyện, ký, kịch) và viết được bài văn theo một kiểu bài đã được học (tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh). Vì thế, đề thi cần bám sát chương trình môn học của các lớp, các cấp. Từ các yêu cầu cơ bản của chương trình mà xác định mức nâng cao cho học sinh giỏi; chứ không phải đề thi học sinh là một loại đề khác biệt hẳn với yêu cầu của chương trình. Người ra đề cần xác định rất rõ: đánh giá để làm gì? đánh giá cái gì? đánh giá đối tượng nào? dựa vào đâu để đánh giá? Từ đó mới xác định nội dung và hình thức của đề thi.
Đôi lời về học sinh giỏi và học sinh năng khiếu để góp phần làm rõ vấn đề đã nêu, rất mong các nhà trường, địa phương, các thầy cô giáo tham khảo để làm đúng, làm tốt hơn công việc đã làm. Nhiều điều cứ tưởng đúng nhưng thực ra là xuất phát từ một thói quen sai.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)