Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Viết tiếp bài Mong muốn con “giỏi toàn diện”, đúng hay sai? (ngày 8-5): Đánh giá đúng người học – yêu cầu quan trọng trong dạy học

Tạp Chí Giáo Dục

Trong quá trình dạy học, để dạy có kết quả cao thì điều quan trọng là phải đánh giá đúng người học, đây cũng là khâu đầu tiên trong quá trình dạy học trên lớp. Trên thực tế, một bộ phận giáo viên không đánh giá đúng người học dẫn đến hiện tượng giáo viên áp đặt kiến thức cho người học, thiếu sự tương tác tích cực giữa người dạy và người học, giáo viên vận dụng sai nguyên tắc sư phạm, không kiềm chế được cảm xúc và dẫn đến những tình huống sư phạm phản giáo dục… Khoa học giáo dục chỉ ra rằng: Quá trình dạy học đó có sự phối hợp cùng nhau, tổ chức cùng nhau, hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, phát huy được năng lực định hướng, tổ chức, điều khiển, cố vấn của người dạy và sự chủ động, tích cực, độc lập, sáng tạo của người học. Đánh giá đúng người học được thể hiện trong nhận thức, thái độ, kỹ năng của người học.

Về nhận thức: Người dạy phải hiểu người học cả về mức độ phát triển trí tuệ và đặc điểm nhân cách, người dạy hướng dẫn, gợi ý, trao đổi thẳng thắn; luôn phát huy vai trò trọng tài, cố vấn để phân xử đúng sai về mặt kiến thức, kích thích người học chủ động tìm tòi, khám phá kiến thức khoa học. Hiểu mới có thể đánh giá đúng, đầy đủ, chính xác các khía cạnh tâm lý của người học trong dạy học; dự đoán được những thuận lợi, khó khăn về mặt tâm lý trong học tập; xác định đúng đắn mức độ căng thẳng khi thực hiện các nhiệm vụ nhận thức ở người học; nắm và đánh giá được nhu cầu, hứng thú, thái độ, ý thức học tập cũng như mức độ nhận thức, lĩnh hội kiến thức của người học. Biểu hiện cụ thể là giáo viên có thể “đọc” được suy nghĩ của người học thông qua các sắc thái của nét mặt, cử chỉ, hành vi, lời nói…, chuyển từ sự tri giác bên ngoài vào nhận biết bản chất bên trong của nhân cách người học. Nhờ tri giác tinh tế và nhạy bén các trạng thái tâm lý đó mà giáo viên phát hiện chính xác và đầy đủ về nhận thức, thái độ, nhu cầu, động cơ, hứng thú, mức độ tập trung chú ý, mức độ hiểu bài… của người học. Từ sự tri giác, nhận biết có định hướng những biểu hiện xúc cảm bên ngoài này, giáo viên có thể nhận xét, đánh giá và phán đoán đúng nội tâm của đối tượng giao tiếp sư phạm – nghĩa là chuyển từ tri giác bên ngoài để biết bản chất bên trong của nhân cách người học.

Về thái độ: Trong quá trình dạy học, tình cảm yêu thương của người dạy đối với người học sẽ tăng sức cảm hóa, lôi cuốn, thuyết phục và góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ qua lại giữa các thành viên trong tập thể lớp học. Đặc biệt, người dạy cần phải hình thành tình cảm trí tuệ cho người học, phải biết cách tạo nên những tình huống có vấn đề để giúp người học thể hiện lòng say mê khám phá chân lý khoa học. Những rung động của người học đối với việc nhận thức và sáng tạo về những hiện tượng, quy luật của tự nhiên và xã hội, có liên quan đến thỏa mãn hay không thỏa mãn những nhu cầu nhận thức của con người.

Về kỹ năng: Đánh giá về hành vi là rất cần thiết, được biểu hiện rõ nhất ở kết quả của người học mà cụ thể nhất là năng lực, đó cũng chính là khả năng vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trong quá trình dạy học. Đánh giá đúng về kỹ năng của người học là đánh giá về các biểu hiện như sự linh hoạt, sáng tạo, sự thành thạo, chính xác trong mỗi hành động. Có như vậy, giáo viên mới có thể phát huy đúng năng lực sở trường của người học và tối ưu hóa quá trình dạy học.

Trên cơ sở hiểu biết, nắm chắc đặc điểm tâm lý của từng người học, các nhóm người học hay cả tập thể lớp học, giáo viên xác lập, lựa chọn những nội dung dạy học và sử dụng các hình thức, phương pháp dạy học phù hợp nhất nhằm mang lại chất lượng, hiệu quả dạy học và giáo dục. Để có được khả năng này trong dạy học đòi hỏi mỗi giáo viên phải trải qua một quá trình lao động đầy trách nhiệm, thương yêu, sâu sát, gắn bó với người học và tập thể lớp học, có sự am hiểu đầy đủ và sâu sắc về tâm lý, nhất là trình độ nhận thức, nhu cầu, thái độ, tính tích cực, khó khăn… trong học tập; có kiến thức tâm lý học sư phạm, tâm lý học lứa tuổi học sinh và hoàn thiện một số phẩm chất tâm lý cần thiết như: năng lực quan sát, sự mẫn cảm sư phạm, óc tưởng tượng, khả năng phán đoán, phân tích, tổng hợp…

Như vậy, đánh giá đúng người học cần phải đánh giá toàn diện cả mặt nhận thức, thái độ và kỹ năng. Đó là tiêu chí quan trọng trong quá trình dạy học và đồng thời là biểu hiện của năng lực dạy học.

ThS. Nguyn Văn Tuyến
(Trưng ĐH Nguyn Hu)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)