Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Viết tiếp bài Những đề thi làm “nóng” học sinh (ngày 16-12): Đề văn nhân học

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, từ đề kiểm tra ở lớp, đề kiểm chung của trường, hay đề thi của phòng, của sở cho đến đề thi THPT quốc gia đã đổi mới nhiều về hình thức lẫn nội dung.

Đối với các đề thi mở, học sinh không phải học thuộc lòng, chỉ cần có kiến thức nền và hiểu biết xã hội là làm bài được (ảnh minh họa). Ảnh: A.K

Khi đề ra theo hướng mở, ngữ liệu đưa vào bài làm ngoài sách giáo khoa (chưa được thầy cô “mớm” trước) là những suy nghĩ chân thật của các em học sinh. Vì vậy, bài làm sẽ không còn tình trạng na ná nhau nữa. Đó là kết quả đáng trân trọng và tự hào.

1. Năm học 2015-2016, đề kiểm tra môn ngữ văn lớp 6 học kỳ II của Phòng GD-ĐT Q.1 (TP.HCM) được đánh giá rất cao. Là một đề văn “mang ý nghĩa sắc màu cuộc sống”, mang giá trị nhân văn rất lớn. Trong đề có câu: Trong thư gửi Mẹ nhân ngày 8-3-2016, Đỗ Nhật Nam – “thần đồng” sở hữu bảng thành tích học tập khiến nhiều người nể phục đã viết: “Em muốn “bảo vệ” mẹ bằng sự mạnh mẽ của người con trai. Và em muốn chăm mẹ bằng sự dịu dàng của người con gái. Bất kỳ người mẹ trên thế giới này cũng xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Mẹ cũng thế!”. Từ những suy nghĩ của Đỗ Nhật Nam, em thấy mình nên làm gì để mẹ luôn được vui vẻ hạnh phúc? Hãy viết từ 5 đến 8 câu về điều ấy.

Với lứa tuổi như Đỗ Nhật Nam, rất hiếm những người con nghĩ được sâu sắc như thế. Ở lứa tuổi 18, rất nhiều học sinh Việt Nam vẫn “chưa chịu lớn”, nói gì đến học sinh lớp 6. Khi con cái vô cảm ngay trong gia đình, nhất là vô cảm với cha mẹ thì lời nói của Đỗ Nhật Nam là một thông điệp quý báu để những người con quan tâm, kính yêu đấng sinh thành. “Em muốn “bảo vệ” mẹ bằng sự mạnh mẽ của người con trai. Và em muốn chăm mẹ bằng sự dịu dàng của người con gái” là lời nói vô cùng ý nghĩa. Một đứa trẻ đã nhận thức được sâu sắc đến như vậy. Vừa đóng vai trò người con trai bằng sự mạnh mẽ, vừa đóng vai trò người con gái bằng sự dịu dàng bởi “Bất kỳ người mẹ trên thế giới này cũng xứng đáng được hưởng hạnh phúc”. Một bài học lớn! Giá trị giáo dục rất sâu sắc!

Và ở câu làm bài văn: Hàng ngày, ngoài thầy cô giáo giảng dạy và bạn bè chung lớp, ở trường em còn gặp rất nhiều người có hành động, việc làm để lại ấn tượng sâu sắc. Em hãy tả lại một trong những người đó. Câu hỏi làm văn rất ý nghĩa. Thường, đề văn tả người là những người thân yêu như ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè…, nhưng đề văn này không phải vậy. Đề yêu cầu tả về người có hành động, việc làm thầm lặng ở trường như bác bảo vệ, cô lao công… Đề như vậy thì đã có sự đổi mới. Đổi mới ở hai khía cạnh: thứ nhất, miêu tả một người không như “mẫu người” bao lâu nay học sinh thường tả; thứ hai, qua việc miêu tả bác bảo vệ, cô lao công…, học sinh sẽ quan sát và quan tâm tới công việc và những con người thầm lặng này. Từ đó, các em sẽ hiểu và trân trọng những con người đã, đang và sẽ góp phần công sức của mình trong sự nghiệp giáo dục.

2. Câu hỏi phần nghị luận xã hội bàn về ý kiến “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình” trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 giúp thí sinh sống có bản lĩnh, nhận thức được rằng, ở trên thế giới này, không hề có con đường nào trải đầy hoa hồng để cho ta lựa chọn. Nếu muốn trở thành một con người hoàn thiện, gặt hái thành công và đến đỉnh vinh quang thì cần phải trải qua những chặng đường gian nan, thử thách với đầy sỏi đá, chông gai. Con người hãy vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để mạnh mẽ, dấn thân và trải nghiệm những điều kỳ diệu và giá trị của cuộc sống. Bởi trước nhiều ngả đường đi tới tương lai, chỉ có bạn chính là người sáng suốt lựa chọn và quyết định con đường ấy. Dẫu biết rằng, chiến thắng bản thân mình thường rất khó khăn nhưng cần nhận thức: “chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất”.

Vừa qua, đề kiểm tra học kỳ I môn ngữ văn của Trường THPT Trường Chinh (TP.HCM) đã đưa lời bài hát Ông bà anh vào phần đọc hiểu với 6 câu hỏi, và phần làm văn là câu hỏi về kiến thức xã hội: Ông bà anh đang rất được nhiều bạn trẻ yêu thích. Có người cho rằng “Đừng ai bận lòng so sánh tình yêu xưa – tình yêu nay làm gì. Dù ngày xưa hay ngày nay thì tình yêu vẫn đẹp như nó vốn thế mà thôi”. Yêu cầu học sinh viết đoạn văn suy nghĩ về câu nói trên.

Có thể nói phần tạo lập văn bản rất hay bởi đề có sự sáng tạo, hấp dẫn, thú vị và cũng đậm chất nhân văn. Đề hoàn toàn phù hợp với năng lực học sinh lớp 12 và mang ý nghĩa thiết thực đối với thế hệ trẻ nói chung và học sinh nói riêng. Ra đề như vậy, học sinh độc lập trình bày quan điểm và suy nghĩ của mình, không dựa vào bài mẫu nào. Các em không phải bị bó buộc trong khuôn khổ, không phải học vẹt (viết suy nghĩ từ văn mẫu) mà xuất phát từ năng lực và tình cảm chân thật của mình. Đề văn “bứt phá” như thế này thật đáng nhân rộng để làm tăng giá trị của văn học, của cuộc sống. “Văn học là nhân học” là như thế đấy!

Việt Hùng

Bình luận (0)