Ngành giáo dục có nhiều cuộc thi, hội thi để khích lệ giáo viên (GV) sáng tạo, nâng cao tay nghề. Nhưng hội thi GV dạy giỏi lâu nay tồn tại nhiều điều bất hợp lý sau đây.
Theo tác giả, lãnh đạo ngành giáo dục cần xây dựng lại tiêu chuẩn của một GV giỏi theo hướng toàn diện, thực chất. Trong ảnh: Giáo viên Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) hướng dẫn học sinh trong tiết dạy. Ảnh: Y.Hoa
1. Để đầu tư cho một tiết thi dạy giỏi, GV phải “buông” nhiều tiết dạy đời thường, có khi cả tháng. Thầy cô phải tập dượt, dạy thử, dạy trước với học sinh (HS) nhiều lần cho đồng nghiệp xem và góp ý. Hậu quả là HS lớp của GV dạy giỏi mất bài đã đành, các lớp khác cũng bị bỏ tiết. Như vậy lợi đâu chưa thấy, chỉ thấy HS bị cắt xén tiết học. Thời gian dạy bù là một ẩn số. Khi thi dạy giỏi, để cho tiết học sinh động, một số GV đã “cài đặt” HS góp ý xây dựng bài. Những câu trả lời được giao trước cho một số HS, nhiều cánh tay giơ lên xin phát biểu. Nhìn qua, lớp học hoạt động rất tích cực, nhưng ai có biết đâu, các em đã “diễn” theo sự sắp đặt, dàn dựng của GV. Điều này vô tình cho HS thấy, thầy cô mình không trung thực.
Ngày thường, GV ít hoặc không sử dụng đồ dùng dạy học. Đến ngày thi dạy giỏi thì nhiều đồ dùng dạy học được chưng ra, nhiều thiết bị được huy động tối đa. Trí óc của HS, dù ngây thơ, non nớt đến đâu cũng nhận ra sự khác biệt giữa tiết dạy ngày thường và tiết dạy giỏi của thầy cô. Qua đó, các em hiểu được rằng, thầy cô mình đối phó hơn là dạy thực chất. Để rồi, có HS hồn nhiên thốt lên những câu nghe mà chua xót: “Ước gì tiết học nào cũng hay và vui như tiết dạy giỏi”. Ở một số trường, cũng vì danh tiếng, Ban Giám hiệu huy động nhân viên tin học, nhiều GV khác giúp đỡ GV xây dựng tiết dạy giỏi, làm đồ dùng dạy học, làm file trình chiếu thật hấp dẫn. Như vậy, việc công nhận “GV dạy giỏi” cho một người có công bằng không khi tiết dạy có sự đóng góp của nhiều người, nhiều bộ phận. Điều đáng nói, những HS yếu kém, thay vì là nhân tố để thử thách tài năng, bản lĩnh của GV lại được “cất kỹ” trong lúc GV thi. Vì những nhân tố này, nếu có mặt, sẽ trả lời “lạng quạng” hoặc hành động “sai kịch bản” làm hỏng tiết dạy của thầy cô.
2. Dạy giỏi phải là một quá trình rèn luyện, phấn đấu nhiều mặt và không ngừng của GV chứ không phải chỉ căn cứ qua hai, ba tiết dạy biểu diễn hoặc một sáng kiến kinh nghiệm. Quá trình đó bao gồm việc giảng dạy trên lớp, làm công tác chủ nhiệm, chăm sóc, giáo dục HS, nhất là HS chưa ngoan, quan hệ với phụ huynh, với đồng nghiệp. Tài năng GV không chỉ thể hiện qua việc giảng dạy mà còn bộc lộ qua nhiều hoạt động khác như: tổ chức hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm, công tác xã hội. GV giỏi là người biết xử lý tình huống sư phạm khéo léo, đảm bảo tính giáo dục, hiệu quả. Trước một HS yếu kém hoặc chưa ngoan, GV phải tác động như thế nào để em ấy chuyển biến tích cực cả về học lực lẫn hạnh kiểm. Không chỉ ở tài năng, người GV dạy giỏi còn phải thể hiện tốt phẩm chất, đức độ của người thầy nữa.
Tôi đã từng rất cảm phục khi chứng kiến một GV sâu sát giúp đỡ một HS chưa ngoan. Vì hoàn cảnh, em đã buồn nản và buông trôi việc học, sa đà vào những trò chơi tiêu cực. Bằng tình thương và trách nhiệm, cô giáo đã tận tụy, kiên nhẫn tác động, đến với em bằng tấm lòng người mẹ. Cô kỳ công giúp em thoát khỏi cú “sốc” tình cảm, trở lại sinh hoạt bình thường. Sau đó, em lấy lại tinh thần và học tốt như các bạn. Tôi nghĩ, không cần thi thố tài năng biểu diễn qua tiết dạy, người GV có tâm như cô giáo nêu trên thực sự là “GV giỏi” trong lòng mọi người.
3. Danh hiệu GV dạy giỏi nên xét nhiều mặt và xét cả quá trình; thước đo là ở đối tượng giáo dục, là sự tiến bộ của HS và sự tin cậy của phụ huynh. Muốn thế, lãnh đạo ngành giáo dục cần xây dựng lại tiêu chuẩn của một GV giỏi theo hướng toàn diện, thực chất, thực sự là tấm gương lan tỏa đến đồng nghiệp và HS thân yêu.
Ngành giáo dục đang tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy cũng cần đổi mới cách kiểm tra đánh giá đúng mức năng lực, phẩm chất của đội ngũ sư phạm, những người thầy đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục. Có thế mới tạo động lực cho GV rèn luyện, nâng cao tay nghề, đáp ứng nhu cầu của đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển.
Trần Thị Minh Thi
Bình luận (0)