Năm học 2022-2023, TP.HCM tăng cường đẩy mạnh chuyển đổi số giáo dục ở tất cả các bậc học. Với bậc mầm non, đây là bậc học đặc thù khi đối tượng trẻ nhỏ, phụ huynh có những quan điểm riêng, nhiều trường học tại thành phố đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp, từng bước đưa chuyển đổi số vào nhà trường…
Nhiều trường mầm non tại TP.HCM đã chủ động ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ
Năm học này, Trường Mầm non 3 (Q.3) có 6 nhóm lớp với 146 trẻ. Đặc điểm của trường là có các điểm trường lẻ với kết cấu dạng phố gây khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động phối hợp. Đa số phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, ít có thời gian tham gia các hoạt động cùng trẻ. Ngoài ra, trường cũng thiếu nhân sự, khó khăn trong bố trí sắp xếp các hoạt động phối hợp diễn ra cùng lúc để phụ huynh và trẻ có thể giao lưu cùng nhau.
Để khắc phục những hạn chế trên, nâng cao hiệu quả giáo dục và chăm sóc trẻ, Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Diệp Bảo Trân cho biết, năm học này trường đẩy mạnh phối hợp cùng phụ huynh tổ chức các hoạt động giáo dục, vui chơi, lễ hội. Trong đó phụ huynh được cùng học, cùng chơi với con, trải nghiệm những hoạt động của con, từ đó thấu hiểu và chia sẻ về phương pháp giáo dục của trường, điển hình như hoạt động cha mẹ trải nghiệm một giờ làm giáo viên… Đặc biệt, năm học này trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phối hợp với phụ huynh, hướng đến đa dạng các cách thức phối hợp chăm sóc, giáo dục trẻ. Trường tạo thư viện số, xây dựng kho học liệu dùng chung với kho học liệu chuyên môn, kho học liệu nuôi dưỡng – chăm sóc trẻ; xây dựng phòng học thông minh với màn hình tương tác, máy tính bảng cho giáo viên và trẻ… “Đến nay thư viện số của trường đã có 41 bài nhạc thiếu nhi, 17 bài thơ ca dành cho trẻ, 48 truyện kể dành cho trẻ. Các nội dung này được lưu trữ dành riêng cho giáo viên, phụ huynh và trẻ. Với kho học liệu dùng chung, về chuyên môn trường đã xây dựng được 613 giáo án các khối nhà trẻ, mẫu giáo kết hợp cả kho học liệu STEAM, kho học liệu bài tập chữ viết dành cho trẻ mẫu giáo; riêng kho học liệu nuôi dưỡng – chăm sóc trẻ, trường xây dựng những video về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ mầm non, hướng dẫn trẻ thực hành các kỹ năng giữ gìn vệ sinh, bộ thực đơn bữa ăn dinh dưỡng dành cho trẻ, hướng dẫn cha mẹ làm món ăn phù hợp…”, cô Nguyễn Diệp Bảo Trân cho biết.
Tương tự, công tác chuyển đổi số trong giáo dục mầm non cũng được Trường Mầm non 1 (Q.3) tăng cường ứng dụng trong năm học này với đa dạng các hoạt động giáo dục được triển khai. Trong đó phải kể đến các nội dung như: Xây dựng và tổ chức không gian đọc sách truyền thống và đọc sách qua thiết bị thông minh – có kết hợp Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với trẻ; xây dựng thư viện số, kho học liệu số… Cô Phạm Thị Thu Diễm (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, trường đã sưu tầm, chuyển tải và thực hiện được 41 video clip về các câu chuyện, phóng sự thiếu nhi gắn với Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cùng với 371 tranh ảnh về Bác. Trường còn trang bị 8 iPad và Headphones để phục vụ việc đọc của trẻ. Đối với kho học liệu số, trường thiết kế đa dạng nội dung phù hợp với lứa tuổi của trẻ, giúp trẻ vừa chơi vừa học, hứng thú trong quá trình học. Thư viện số với nhiều thư mục riêng biệt về truyện, thơ, bài hát; đồng dao, ca dao; trò chơi dân gian, vận động, có hướng dẫn chơi; Bác Hồ với thiếu nhi.
Quét mã QR để kết nối phụ huynh Tại Trường Mầm non 14 (Q.Tân Bình), để kết nối với phụ huynh, giáo viên từng lớp học đã thiết kế một mã QR riêng, dán ở cửa lớp cho phụ huynh kết nối. Cô Phan Thị Ánh Hiệp (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, đây là cách làm hết sức sáng tạo của giáo viên, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kết nối, phối hợp với phụ huynh để tăng cường hiệu quả giáo dục, chăm sóc trẻ. “Trước đây, nếu muốn trao đổi gì, giáo viên phải điện thoại từng phụ huynh để chia sẻ. Thế nhưng, bây giờ các cô đã mạnh dạn sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối với phụ huynh. Từ đó, phụ huynh mạnh dạn trao đổi những thắc mắc với giáo viên, giáo viên thường xuyên đăng tải vào nhóm những thông tin, hình ảnh thường ngày của trẻ trên lớp. Chính sự gắn kết thường xuyên này mà sự thấu hiểu, phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh tăng lên rất nhiều, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ”, cô Phan Thị Ánh Hiệp nhấn mạnh.
|
Ngoài ra, theo cô Phạm Thị Thu Diễm, kho học liệu số của trường còn được phát triển với các bài giảng về phát triển thể chất, phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ, phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội, phát triển thẩm mỹ. Đặc biệt là chú trọng các nội dung nhằm bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho giáo viên, cách ứng xử với các tình huống sư phạm. Bên cạnh đó, giáo viên nhà trường cũng thiết kế nhiều video hoạt động dạy, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ để phụ huynh cùng đồng hành hỗ trợ chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà. “Để thực hiện hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số đối với bậc học mầm non, song song với việc bồi dưỡng về năng lực số cho đội ngũ, thời gian qua trường đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh; tận dụng trang website của trường, trường xây dựng đa dạng, phong phú các thư mục để phụ huynh dễ dàng nắm bắt, theo dõi các hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ tại trường. Bên cạnh đó, các nhóm lớp đều có Zalo kết nối với phụ huynh công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Ngoài ra, trường mở thêm Fanpage Trường Mầm non 1 – Q.3 để kết nối các hoạt động, thông tin đến phụ huynh và cộng đồng… Hiện nay, 100% giáo viên có hồ sơ và tài khoản sử dụng để tự bồi dưỡng chủ động, bồi dưỡng thường xuyên theo nhu cầu”, cô Phạm Thị Thu Diễm chia sẻ.
Bài, ảnh: Long Quân
Bình luận (0)