Hiện nay, khá nhiều người viết sai chính tả, nhất là ở những người trẻ. Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viết sai chính tả.
Theo tác giả, để giữ gìn cái đẹp của tiếng Việt, cần sự đồng lòng của cả xã hội, không chỉ ở thầy cô giáo và học sinh. Ảnh: Anh Khôi
Những người ở độ tuổi U.60 trở lên ở Nam bộ nếu không cập nhật chính tả sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975) sẽ viết theo chính tả mà bản thân đã được học trước đó và sẽ bị cho là sai chính tả hiện nay. Chẳng hạn, từ “chiều chuộng, cưng chiều”, những ai học ngày đó sẽ viết là “chìu chuộng, cưng chìu” theo thói quen đã từng học, không theo tự điển như hiện nay. Thế nhưng, những người ở độ tuổi ấy rất hiếm khi viết sai chính tả so với lớp trẻ ngày nay. Vì thời ấy, học sinh miền Nam học chính tả theo kiểu ngữ nghĩa. Tức là viết chính tả theo cách hiểu nghĩa từ. Chẳng hạn, “thịt cá” thì thịt có âm t cuối, “chạy thình thịch” thì thịch có âm ch cuối; “sương gió” thì sương viết âm s, “xương cá, xương sống” thì xương viết âm x. Với cách học chính tả như thế thì dù giáo viên có là người miền Bắc, miền Trung hay miền Nam, khi đọc chính tả, học sinh vẫn viết đúng. Sau này, giáo viên khi dạy lớp, nhất là khi dạy môn tập đọc, chính tả thì có một luật “bất thành văn” là phải đọc chuẩn theo giọng miền Bắc nếu không sẽ bị phê bình là phát âm sai chính tả. Khi tôi học Khoa Ngữ văn ở Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, giáo sư dạy đã hỏi giọng miền nào phát âm đúng chính tả nhất, cả lớp trả lời miền Bắc. Thầy đã chỉ ra hàng loạt từ người miền Bắc phát âm sai chính tả. Giáo sư cũng khẳng định: Không có giọng vùng miền nào phát âm đúng chính tả tất cả mọi tiếng. Vì thế, chúng ta phải hiểu nghĩa để viết đúng chính tả. Tiếc rằng, chương trình hiện nay, chính tả so sánh – một dạng viết chính tả phải hiểu nghĩa từ của mấy mươi năm về trước đã bị bỏ. Vừa rồi, tôi có đọc một bài báo viết về chính tả của một thạc sĩ. Thạc sĩ ấy cho rằng viết “đậu que” là do phương ngữ Nam bộ nói sai, nên viết sai. Điều này theo tôi là không đúng. Ở miền Nam, theo tôi, người ta gọi đậu que, đậu đũa bao nhiêu năm qua là do đặt tên theo hình dạng của nó, không phải do phát âm sai đậu “cô ve” thành “đậu que”, viết “đậu que” là đúng chính tả, đúng tên gọi theo Nam bộ, không thể nào phát âm sai “cô ve” thành “que”.
Lớp trẻ ngày nay, viết sai chính tả nhiều hơn bởi nguồn thông tin các em tiếp nhận từ nhiều nguồn. Ngay trong sách giáo khoa hiện hành cũng có nhiều điều cần nói về chính tả. Ví dụ, bài tập đọc “Thư gửi các học sinh” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5, tập 1 có những từ được in như “Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học…”, “từ giờ phút này giở đi…”, “Sau 80 năm giời nô lệ…”. Thế nhưng, trong phần chú thích và giải nghĩa không có một dòng nào cho các từ “giời, giở”. Nếu giáo viên chú ý kỹ thì sẽ giải thích cho học sinh, còn nếu không, đương nhiên học sinh sẽ nghĩ rằng những chữ ấy viết đúng chính tả hiện hành. Một số sách xưa được tái bản lại của các nhà văn như Hồ Biểu Chánh, Bà Tùng Long, Sơn Nam…, đã sử dụng nhiều từ ngữ của miền Nam lúc ấy và nếu xét theo hiện nay là sai chính tả. Ngoài ra, lớp trẻ ngày nay tiếp cận mạng xã hội thường xuyên hàng ngày. Những từ ngữ viết sai chính tả vô tình hay cố ý nhưng lặp đi, lặp lại nhiều lần khi đọc cũng in sâu vào trí não và khi viết cũng sai như thế.
Việc cần làm trước tiên, theo tôi, sách giáo khoa nếu dùng văn bản xưa cũ và sách báo, tài liệu xưa cũ khi tái bản nếu không được biên tập lại theo chính tả hiện hành thì phải có trong phần chú thích và giải nghĩa để mọi người hiểu rõ hơn để viết chính tả đúng hơn như trường hợp bài “Thư gửi các học sinh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay những tác phẩm của các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Bà Tùng Long, Sơn Nam… Mặt khác, phương pháp dạy chính tả trong trường học hiện nay cũng cần theo hướng ngữ nghĩa, nghĩa là hiểu nghĩa từ để viết đúng, không viết chính tả dựa trên phát âm của thầy cô giáo. Ngoài ra, cũng cần có một cuộc tổng vận động mọi người, mọi lứa tuổi luôn thận trọng khi viết để viết đúng chính tả mọi lúc, mọi nơi, ngay cả viết trên mạng xã hội. Người lớn tuổi cần cập nhật chính tả hiện hành, người trẻ cần tra cứu chính tả khi viết những từ còn băn khoăn. Để giữ gìn cái đẹp của tiếng Việt, chữ Việt, cần lắm một sự đồng lòng của cả xã hội, không chỉ ở thầy cô giáo và học sinh.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)