Người tiêu dùng không nên ham rẻ mua thực phẩm chay không rõ nguồn gốc, thành phần (trong ảnh là một người tiêu dùng đang mua thực phẩm chay chế biến sẵn). Ảnh: T.Tri |
Tình trạng thực phẩm chay ngày càng “lấn sân” thị trường, song chất lượng lại bị “thả nổi”, bỏ ngỏ trong khi cơ quan chức năng là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lơ là kiểm tra định kỳ, khiến không ít người tiêu dùng lo lắng. Trước thực trạng này, Báo Giáo Dục TP.HCM đã ghi lại một số “hiến kế” để bạn đọc chọn lựa thực phẩm chay an toàn cho bữa ăn của mình.
Đại đức Thích Minh Phú (chùa Giác Nguyên – phường 4, quận 4): “Không nên ham rẻ”
Chúng tôi tuyệt đối không sử dụng thực phẩm chay có xuất xứ từ Trung Quốc, mang nhãn mác Trung Quốc bởi chất lượng không được ai kiểm chứng. Còn những mặt hàng trôi nổi, không công ty, nhãn mác và hạn sử dụng bày bán ở chợ cũng là một mối nguy hiểm. Đa phần người tiêu dùng… ham rẻ, chất lượng sản phẩm đặt sau… bài toán kinh tế nên chủ yếu đến chợ mua, theo tôi đó là cách tự “giết” mình. Ngoài thực phẩm chay đóng gói, rau củ quả, đậu hủ được xem là nhu yếu phẩm không thể thiếu trong bữa ăn chay, người tiêu dùng phải biết lựa chọn, đặt sức khỏe lên hàng đầu. Nếu ăn chay dài hạn, có thể tạo… mối quen cho mình để đảm bảo độ tin cậy, an tâm khi sử dụng, nếu lỡ có thực phẩm không tốt, bị ôi thiu, người ta cũng sẽ báo cho mình. Chúng tôi chỉ mua sản phẩm chay tại các công tư lớn, có uy tín cao, còn những thực phẩm tươi chế biến từ đậu hủ thì được lấy ngay tại lò, giá cả có thể đắt hơn nhưng chất lượng được đảm bảo.
Chị Võ Thị Như Thảo – Công ty Gia Trung Hòa (374A/40/2 Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh): “Thật khó để… kiểm chứng”
Thói quen của các bà nội trợ là thường… ham rẻ, và ít quan tâm đến chất lượng nếu mua hàng ở chợ. Tôi chỉ ăn chay mỗi tháng 4 ngày. Cũng như nhiều người, đi chợ, tôi mua đậu hủ từ các chị, các cô bán lẻ nên thật khó kiểm chứng vì miếng đậu nào cũng trắng muốt hoặc vàng ươm (nếu được chiên), nhìn rất bắt mắt nên không biết có phải họ sử dụng chất tạo màu hay hàn the không…?
Vì chỉ ăn chay vài ngày mỗi tháng nên tôi cũng chủ quan, không nặng chuyện xuất xứ, hạn sử dụng như các mặt hàng nấm, đồ đóng hộp, hàng khô vì hàng ở chợ bán theo cân, ký nên rất khó biết. Vả lại, tâm lý đi chợ chỉ quan tâm giá cả và mua thật nhanh nên cũng không có thời gian kiểm chứng. Vừa rồi, theo dõi 2 bài báo Mập mờ chất lượng thực phẩm chay và Thực phẩm chay có an toàn? trên Giáo Dục TP.HCM, tôi thực sự giật mình, nhận ra những thiếu sót trong việc nội trợ, bếp núc của mình. Từ nay, tôi sẽ quan tâm, học thói quen để ý nguồn gốc, thành phần, hạn dụng để đảm bảo an toàn sức khỏe hơn trong sử dụng thực phẩm chay.
BS. Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: “Người tiêu dùng thông minh”
Việc ăn chay có nhiều điểm lợi là giàu chất xơ, vitamin và hạn chế được chất béo và protein động vật. Do đó tránh được một số bệnh như béo phì, tiểu đường, gan, máu nhiễm mỡ… Tuy nhiên, nếu chỉ ăn chay một cách thuần túy, không đúng cách cũng dễ gây bệnh. Bởi khả năng thiếu năng lượng, dinh dưỡng nạp vào cơ thể không cân đối và thiếu một số axit amin thiết yếu như chất sắt, canxi, vitamin D… dẫn đến tình trạng thiếu máu, bị loãng xương gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và khả năng miễn dịch.
Trong tình hình thực phẩm chay không được kiểm định chất lượng như hiện nay, người tiêu dùng cần phải lưu ý và có một chế độ ăn chay lành mạnh: Bữa ăn bắt buộc có nhiều trái cây tươi, thường xuyên vận động và tiếp xúc với ánh nắng. Các thực phẩm chay cần được đảm bảo an toàn thông qua thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng. Cảm quan riêng tôi, người ăn chay đa phần sử dụng chủ yếu các loại đậu, nấm. Mà đậu, nấm thì để lâu thường bị hư mốc nên khi mua và chế biến, người tiêu dùng phải kiểm tra kỹ càng. Có một khái niệm là “người tiêu dùng thông minh”, tức ngoài mua đúng sản phẩm, sản phẩm ấy phải biết mua ở đâu tươi ngon thì người tiêu dùng còn phải biết cách quản lý, giữ gìn sản phẩm. Ví dụ khi mua một miếng đậu hủ, người ta yêu cầu bảo quản dưới 200C, mà chúng ta không tuân theo thì cũng… như không. “Người tiêu dùng thông minh” tức còn phải biết tập thói quen đọc nhãn mác khi mua thực phẩm, qua đó tìm được những nguyên liệu có giá trị dinh dưỡng, xuất xứ rõ ràng và còn trong thời hạn sử dụng.
Thực tế, vì điều kiện, hoàn cảnh công việc, nhiều người chọn ăn chay bên ngoài, nơi quán xá mà không quan tâm đến chất tạo mùi, tạo màu hay dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, chẳng những không mang lại giá trị dinh dưỡng mà còn gây hại cho sức khỏe. Do vậy, tốt nhất là nên tự chế biến món ăn chay cho chính mình, trên cơ sở chất lượng nguyên liệu đã được kiểm chứng.
Ngân Du (ghi)
Bình luận (0)