Sau khi Báo Giáo Dục TP.HCM đăng bài Những “con ma” ăn đêm, số ra ngày 26-6, chúng tôi đã trở lại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, nơi mà nạn “cát tặc” đang diễn ra rất “sôi nổi”.
Chính quyền địa phương thừa nhận rằng thực trạng đáng buồn này đã kéo dài trên dưới 10 năm song đến nay vẫn không có biện pháp nào để xử lý triệt để… Xã kêu không đủ khả năng để giải quyết. Trách nhiệm và thẩm quyền thuộc về huyện nhưng phía huyện lại thiếu lực lượng, phương tiện và chuyên môn ứng phó sông nước.
Nhìn dân mất đất mà đau…
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Trung Nghĩa – Chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây không giấu được nỗi bức xúc: “Không phải là xã làm ngơ cho nạn “cát tặc” lộng hành, mà là chúng tôi không tài nào ngăn chặn được. Trước đây, xã đã từng lập chốt canh tại bờ sông, nhưng rồi cũng đành bó tay vì địa bàn giáp với huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, ranh giới là giữa sông Sài Gòn, đuổi bên này thì “cát tặc” chạy sang bên kia. Khả năng của xã chỉ dừng ở mức vận động người dân, hỗ trợ cho vay vốn để chuyển đổi ngành nghề. Toàn xã đã vận động được 6 hộ, còn 2 hộ không chấp hành, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý. Cái khó của xã là nhiều hộ đã từng chuyển đổi ngành nghề nhưng lại quay lại với nghề nạo vét cát vì lợi nhuận mang lại quá lớn. Nghe dân than còn giấy tờ mà không còn đất, rồi nhìn dân mất đất mà bất lực, đau lắm… Tuy nhiên xã chỉ có thể báo lên huyện để can thiệp, nhưng khi huyện xuống thì bọn “cát tặc” đã “cao chạy xa bay” rồi”.
Ông Nguyễn Văn Tèo – Chủ tịch UBMTTQ xã An Nhơn Tây, người đã từng trực tiếp theo đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đi dẹp “cát tặc” nhìn nhận: ““Cát tặc” hoạt động ngày càng hiện đại, manh động và liều lĩnh…”.
Lẽ nào đau mãi?
Từ lâu, huyện Củ Chi đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm Phòng Tài nguyên Môi trường huyện, Công an kinh tế huyện, quản lý thị trường, thậm chí cả PC68 (Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy – Công an TP.HCM) phối hợp với địa phương để trấn áp nạn “cát tặc”. Như trong 6 tháng đầu năm 2013, huyện đã ra quân 12 đợt kiểm tra, bắt và tịch thu được 3 phương tiện, xử phạt một chủ phương tiện.
Tuy nhiên, theo bà Huỳnh Thị Vang, Phó trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Củ Chi – đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp dẹp nạn “cát tặc” thì, tất cả cũng chỉ như muối bỏ biển, tình hình diễn biến ngày một phức tạp và rất căng, mà khó khăn thì chồng chất. “Toàn bộ nhân sự giải quyết vấn đề này của huyện chỉ có 4 người, trong đó nam là 2 người. Về phương tiện huyện phải phụ thuộc hoàn toàn vào phía công an kinh tế, hoặc là phải đi thuê ca nô của người dân và thuê người lái. Đồng thời, cũng không hề có công cụ nào để bảo vệ. Cán bộ của huyện cũng không rành về sông nước, thậm chí còn không biết bơi. Chính vì vậy, huyện có muốn ra quân cũng rất khó. Thấy chúng hút cát, nạo cát bên bờ sông mà nhiều khi lực bất tòng tâm ”, bà Vang than thở.
Đặc biệt, mỗi lần ra quân, đoàn kiểm tra bị chống đối là chuyện thường, thậm chí còn bị trả thù, đe dọa đến tính mạng. Táo tợn hơn, bọn chúng còn trang bị cả mã tấu, dao… trên ghe, hay làm ca nô của đoàn kiểm tra chòng chành. Trên ghe có lỗ rút, nếu đoàn đã lên ghe mà không để ý, bọn chúng sẽ ranh ma rút ra cho nước vào làm chìm ghe, đoàn cũng chìm theo. Hay chúng vừa cho ghe chạy vừa xả cát ra ngoài để tiêu hủy chứng cứ. Bên cạnh đó, việc xử phạt cũng cực kỳ gian nan. Mức phạt quy định cho hành vi này là 20 triệu đồng đối với chủ ghe, tịch thu phương tiện đem bán đấu giá. Tuy nhiên, đa phần khi bị bắt bọn chúng sẽ bỏ ghe, nhận là người làm thuê cho chủ. Sau đó, khi ghe bán đấu giá chúng lại đứng ra mua lại. “Đây cũng là một lỗ hổng để bọn chúng dễ dàng lách luật. Có nhiều ý kiến cho rằng nên tiêu hủy phương tiện để bọn chúng không còn cơ hội hành nghề hoặc mang phương tiện sang nơi khác bán chứ không phải bán tại địa phương” – bà Vang đề xuất.
Khi được hỏi, lẽ nào vì những khó khăn đó mà để nạn “cát tặc” lộng hành, gây sạt lở nghiêm trọng, liếm mất đất ven sông của dân, bà Vang cũng như Chủ tịch xã An Nhơn Tây thẳng thắn nêu quan điểm, cần phải có sự phối hợp đồng bộ, bài bản giữa các ban ngành TP với tỉnh Bình Dương. Và cần phải quản lý chặt chẽ hơn nữa, siết mạnh đầu vào tại các điểm kinh doanh vật liệu xây dựng vì đó như một đầu ra của nạn “cát tặc”.
“UBND TP đã giao cho Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với tỉnh Bình Dương ban hành quy chế phối hợp xử lý nạn “cát tặc” nhưng đến giờ quy chế vẫn chưa ra đời. Nên vẫn cứ là đuổi bên này sông, bọn chúng chạy sang bên kia sông là đành bó tay…” – bà Vang băn khoăn.
Có quá nhiều khó khăn được nêu ra để hiệu quả của các chuyến ra quân kiểm tra dẹp nạn “cát tặc” không được như mong đợi. Chính vì thế, đã đến lúc các cơ quan ban ngành của TP cần phải mạnh tay hơn nữa, cũng như có biện pháp phối hợp với tỉnh Bình Dương để hạn chế tiến tới dẹp triệt để nạn “cát tặc” để người dân không còn phải chịu cảnh đất còn mà chỉ nằm trên giấy…
Yến Hoa
Bình luận (0)