Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Viết tiếp trang giáo án còn dang dở của cô giáo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thầy Đoàn Công Đường động viên Phượng khi hay tin em đỗ thủ khoa

“Cả thôn nghèo chỉ có vài cháu được đi thi ĐH thì cháu Phượng đã đậu thủ khoa. “Nó” đã làm mở mặt mở mày bà con chòm xóm, và là tấm gương sáng cho các cháu sau tiếp bước”, cụ Nhân (80 tuổi), một người dân trong thôn Lệ Nam (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) hồ hởi nói như vậy khi tôi hỏi về cô bé “củ khoai nhà quê” Nguyễn Thị Phượng, HS Trường THPT Sào Nam đỗ thủ khoa Trường ĐH Quảng Nam.

“Củ khoai nhà quê”
Là con út trong gia đình có sáu miệng ăn, cả nhà chỉ trông chờ vào ba sào ruộng khoán. Anh chị của Phượng vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn phải bỏ học dang dở để đi làm công nhân ở TP.HCM. Bà Trần Thị Bùi, mẹ Phượng, do đau ốm nên sức khỏe yếu không thể làm được công việc nặng nhọc. Do đó, gánh nặng cơm áo trong gia đình đều dồn cả lên đôi vai ông Nguyễn Văn Dẫn – ba Phượng. Cứ hết mùa đồng áng là ông lại tất bật đi cày thuê, phụ hồ để có tiền trang trải cho cuộc sống của cả gia đình.
Cuộc sống quá vất vả nên đôi lúc lâm vào túng quẫn, vì vậy ông Dẫn lại động viên Phượng nghỉ học để phụ giúp ông, nhưng mỗi lần như vậy em đều tìm mọi cách hoàn thành nốt công việc nhà để kịp đến lớp chứ nhất định không chịu nghỉ học. Ông Dẫn bộc bạch: “Cái khó bó cái khôn, nhiều lúc tui cũng tự trách mình không đủ sức cho con ăn học như bao đứa trẻ khác. Những năm mất mùa, tui cho con ăn khoai lang nhiều hơn ăn cơm, nghĩ nhiều lúc thương con thắt ruột. Nhưng nhờ cháu sáng dạ, dù khó khăn thiếu thốn nó vẫn quyết tâm học giỏi để “làm bằng chứng” xin tôi cho theo học đến cùng”.
Cũng chính vì ăn khoai nhiều hơn cơm mà từ đó, Phượng “chết” luôn với biệt danh “củ khoai” do bạn bè quanh xóm đặt cho. Lên học THPT, vì nhà nghèo, áo quần đến lớp chỉ có độc một bộ đồng phục nên em lại được bạn bè gán thêm cho từ “nhà quê”. Và cái tên “củ khoai nhà quê” có từ đó!
Trò chuyện với chúng tôi, Phượng bảo rằng có học giỏi mới mong thoát cảnh đói khổ. Vì thế, ngay từ lớp 9, khi làm hồ sơ thi tuyển vào Trường THPT Sào Nam, em đã biết mình bước chân vào vạch xuất phát của cuộc đời và nếu không có sức bền sẽ phải bỏ học giữa chừng. Từ nhà đến trường 20km, oằn mình trên chiếc xe đạp đi về mỗi ngày, không làm nản chí cô học trò ham học. Đồng hành cùng em trên hành trình đến lớp còn có bao khoai lang chở theo để gửi người thân gần trường nấu ăn lót dạ. Sau mỗi buổi, em tranh thủ về nhà, giúp ba trông coi vườn tược, giữ bò, nấu ăn, giặt giũ giúp mẹ…
Không an phận thủ thường làm người nông dân cần cù nơi cổng làng bùn lầy nước đọng, Phượng nuôi ước mơ tiến xa hơn nữa trên con đường học vấn. Nhà nghèo, không có tiền mua sách tham khảo, không có tiền để đi học thêm thì em học bằng cách mượn sách của bạn bè, về nhà tự ôn rồi tập trung nghe giảng trên lớp… Nói về lý do thi vào ngành sư phạm sinh, Phượng bùi ngùi cho biết: “Từ lúc học lớp 6, em nhiều lần suýt bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Nhưng nhờ cô Trần Thị Phương (là giáo viên dạy môn sinh học của Phượng ở Trường THCS Duy Châu – PV) động viên, giúp đỡ và hướng dẫn cho em phát huy khả năng học các môn tự nhiên. Cho đến năm em học lớp 8, cô qua đời vì bệnh ung thư máu, từ đó, hình ảnh cô với lời khuyên chân thành, ấm áp cứ trở đi trở lại trong em mãi và em quyết tâm đi theo con đường mà cô giáo mình còn bỏ dở”.
Lo không đủ học phí đến trường
Đồng hành cùng Phượng trên hành trình đến lớp mỗi ngày (đường từ nhà đến trường dài 20km) còn có bao khoai lang chở theo gửi người thân gần trường để buổi trưa nấu ăn lót dạ.
Cái tin Phượng đỗ thủ khoa đại học chẳng những mang đến niềm vui cho gia đình em mà còn làm bà con lối xóm thấy hãnh diện, tự hào. Nhưng những nụ cười ấy sớm tắt, nhường chỗ cho sự lo âu khi nhắc đến con đường phía trước của em với bốn năm ngồi trên ghế giảng đường biết bao khoản tiền cần trang trải. Ông Dẫn cất giọng buồn buồn: “Trước mắt gia đình sẽ nhờ vốn vay sinh viên để cho con nhập học, còn sau ni vợ chồng tui cũng chưa biết tính thế nào. Mỗi ngày, tui cật lực làm thuê thì cũng được 50.000 đồng, không đủ trang trải sinh hoạt trong nhà…”. Nói chưa dứt câu, ông Dẫn bỗng im lặng như đang gặp bài toán khó phải tìm lời giải. Phượng ngước nhìn ba, tiếp lời: “Bốn năm ròng rã với hàng trăm thứ phải tốn kém, em sợ gia đình mình không kham nổi. Ba mẹ và cả em sẽ gặp nhiều vất vả hơn khi em bước vào giảng đường đại học sắp tới”.
Thầy Đoàn Công Đường, Hiệu phó Trường THPT Sào Nam, chia sẻ: “Trong trường, ai cũng biết về hoàn cảnh em Phượng – cô học trò nhỏ phải thức dậy từ 5 giờ sáng ì ạch đạp xe đến trường, người nhễ nhại mồ hôi kể cả đang vào mùa đông. Sinh ra ở vùng nông thôn, nhà nghèo, lại ở xa, có được kết quả học tập như em là rất đáng khích lệ. Tôi luôn đánh giá cao khả năng cũng như sự cần cù chăm chỉ nơi em. Tôi tin vào đại học em sẽ làm nên điều kỳ diệu”.
Chia tay làng quê nghèo Nhã Nam, tôi như đọc được những quyết tâm và khao khát trong mắt cô học trò nghèo xứ lụa Duy Xuyên, nhưng cũng thấy rõ những ưu tư trên khuôn mặt em và người thân. Phía trước em là cả quãng đường dài vinh quang nhưng cũng lắm chông chênh cần lắm những tấm lòng, những đôi tay nâng đỡ!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

“Em nhiều lần suýt bỏ học, nhưng nhờ cô Trần Thị Phương – giáo viên dạy môn sinh học ở Trường THCS Duy Châu – luôn động viên, giúp đỡ mà em được tiếp tục học. Năm em học lớp 8 thì cô Phương qua đời vì bệnh ung thư máu. Từ đó, hình ảnh cô với lời khuyên chân thành, ấm áp cứ trở đi trở lại trong em mãi và em quyết tâm đi theo con đường mà cô giáo mình còn bỏ dở”, Nguyễn Thị Phượng chia sẻ.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)