“Hiện tại, chúng ta đang thừa thầy, thiếu thợ. Sau bậc THCS, các em hoàn toàn có thể rẽ theo nhiều hướng khác nhau như học nghề, học TC, CĐ ngoài việc học tiếp lên THPT. Rẽ theo những hướng khác không có nghĩa là các em không thể viết tiếp ước mơ mà là viết ước mơ vừa sức với mình”.
Chuyên gia tư vấn đang giải đáp các thắc mắc của học sinh về những hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS
Đó là chia sẻ được các chuyên gia tư vấn đưa ra trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” lần thứ 5 năm học 2019-2020 tổ chức tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Q.Tân Bình) mới đây, với sự tham gia của trên 1.000 học sinh lớp 9 Trường THCS Ngô Sĩ Liên và THCS Âu Lạc. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức nhằm cung cấp những thông tin về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới cũng như mở ra những hướng đi cho học sinh sau THCS.
Chọn nguyện vọng thế nào cho hợp lý?
Cuối tuần qua, chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” lần thứ 5 tiếp tục diễn ra ở nhiều trường trên địa bàn thành phố, gồm: THCS Trần Quốc Tuấn (Q.7); THCS Tân Bình (Q.Tân Bình); THCS Cách Mạng Tháng 8, THCS Hoàng Văn Thụ, THCS Lạc Hồng (Q.10); THCS An Nhơn (Q.Gò Vấp)… Chương trình thu hút hàng ngàn học sinh và phụ huynh tham dự, nghe chuyên gia cung cấp những thông tin mới về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2020 cùng các hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS. |
Giải đáp những băn khoăn của học sinh trong việc đăng ký nguyện vọng (NV), ông Dương Thành Tài (chuyên viên Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho hay, để chọn được các NV trường hợp lý, trước hết người học cần phải xác định rõ năng lực học tập của bản thân. Theo đó, đối với việc đăng ký 3 NV thường, người học phải xem xét kỹ cụ thể về vị trí trường nằm ở đâu, có phù hợp, thuận tiện cho việc di chuyển trong địa bàn mình đang ở hay không. Khi đã tìm hiểu về vị trí địa lý, tiếp theo người học nên xem xét đến điểm tuyển sinh của trường đứng ở tốp nào trong những năm vừa qua, từ đó nhắm xem có hợp với mình không. “Với sức học giỏi và chắc, các em có thể chọn trường tốp trên, còn với sức học khá thì lựa chọn trường tốp giữa. Trong đó, NV1 được ưu tiên đặt lên đầu tiên, là NV chắc chắn sẽ đậu. Còn NV2 dành cho những trường tốp thấp hơn, và NV3 thấp hơn chút nữa. Cách đặt NV như thế sẽ giúp các em tận dụng được cả 3 NV, tăng thêm cơ hội đậu vào các trường THPT”, ông Tài chia sẻ. Đối với các NV chuyên, ông Tài đặc biệt lưu ý người học phải có sức học xuất sắc bởi áp lực sẽ rất lớn, đồng thời cách xét NV chuyên và hội đồng thi trong NV chuyên sẽ khác NV thường.
Còn với những băn khoăn của học sinh trong việc học lớp tăng cường tiếng Anh, ông Tài cho biết Sở GD-ĐT TP.HCM luôn khuyến khích các trường mở chương trình tiếng Anh tăng cường nếu đủ điều kiện về cơ sở vật chất. Để theo học lớp tăng cường tiếng Anh trong trường chuyên, trước hết người học phải đậu vào trường đó rồi mới đăng ký học. Còn lớp tiếng Anh tăng cường trong trường thường, ông Tài thông tin: Để đủ điều kiện học, các em cần phải thỏa mãn một trong những yêu cầu sau: Điểm 4 kỹ năng (đối với lớp tăng cường tiếng Anh hiện tại bậc THCS) đạt từ 6 trở lên; đạt chứng chỉ B trở lên hoặc chứng chỉ quốc tế tương đương…
Học ở môi trường nào cũng cần “giá trị bản thân”
Trước những thắc mắc của học sinh về môi trường học tập nào tốt nhất, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo cho hay, không có sự “đo đếm” cụ thể nào để biết được môi trường học tập nào tốt nhất. Bởi môi trường tốt nhất là môi trường phù hợp nhất với bản thân. “Môi trường học nào cũng không quá quan trọng, mà quan trọng nhất là cốt lõi bản thân người học. Bất kỳ môi trường học nào cũng đều hỗ trợ học sinh học tập, rèn luyện tốt nếu như các em có mục tiêu, ý chí phấn đấu”, bà Thảo nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để làm rõ hơn giá trị bằng cấp tại Việt Nam, bà Thảo khẳng định cần phải dựa vào nhiều hệ quy chiếu, ở nhiều góc độ thì mới có thể so sánh được giá trị bằng cấp của các quốc gia. Bằng cấp chỉ là một phần của quá trình học tập, rèn luyện. Để có thể thành công và khẳng định được giá trị bản thân thì cần nhiều đến sự trải nghiệm, học tập và nghiên cứu một cách nghiêm túc. “Sau THCS, các em có rất nhiều ngã rẽ. Trường THPT công lập chỉ là một trong những ngã rẽ đó. Tuy nhiên, dù rẽ theo ngả nào, trước hết các em cũng cần phải hiểu được giá trị của bản thân để lựa chọn được môi trường phù hợp”, bà Thảo lưu ý.
Hướng nghiệp cho hàng ngàn học sinh Bình Thuận Từ ngày 3 đến 7-1, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức diễn ra ở 16 trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (chương trình có sự phối hợp với Sở GD-ĐT Bình Thuận). Theo đó, trong chương trình, các chuyên gia hướng nghiệp, chuyên gia tâm lý, chuyên gia dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cung cấp các thông tin hữu ích, thiết thực cho học sinh lớp 12 về những ngành nghề đào tạo hiện nay; phương thức lựa chọn ngành nghề phù hợp với đam mê, sở thích, năng lực…, qua đó giúp các em chọn lựa đúng ngành học, bậc học và trường học. PV
Học sinh Trường THPT Hòa Đa (Bình Thuận) đặt câu hỏi cho các chuyên gia tư vấn. Ảnh: T.Tâm |
Một cách cụ thể hơn, ThS. Dương Duy Khải (Trường CĐ Sài Gòn Gia Định) cho biết hiện nay thị trường lao động tại Việt Nam đang rơi vào tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Nghĩa là, người học cao thì nhiều nhưng người học nghề thì ít. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu lựa chọc học nghề, các em sẽ có cơ hội làm việc sớm và rộng mở. “Lựa chọn học TC, CĐ hoặc nghề từ sau bậc THCS không phải các em không có ước mơ, hay thiệt thòi với các bạn, mà là mơ một cách thực tế, phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện gia đình. Học TC, CĐ, các em không chỉ có nghề mà vẫn có thể học lên cao nếu muốn”, ông Khải chia sẻ.
Để tìm được một nghề phù hợp ở môi trường TC, CĐ, ông Khải khuyên các em học sinh nên vào website của từng trường để tìm hiểu, tham khảo thêm.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)