Con gái tôi khi còn học phổ thông là học sinh giỏi văn. Cháu đã đạt huy chương bạc Olympic văn toàn miền Nam năm lớp 11, giải nhì học sinh giỏi văn cấp thành phố năm lớp 12. Các bài làm văn hồi THPT, hay các bài viết dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam… của cháu thường được giới thiệu rộng rãi trong lớp, trên Fanpage của trường. Các giáo viên dạy văn đều đánh giá cao khả năng viết văn của cháu.
Bản thân tôi cũng thấy năng lực của con là khá tốt. So với tôi hồi còn học phổ thông, cháu viết khá hơn hẳn. Cháu diễn đạt chặt chẽ, bài văn mạch lạc, ý tứ rõ ràng, từ ngữ trong sáng… Chấm điểm nhiều bài thi của sinh viên cao đẳng hoặc đại học ở các môn thuộc ngành truyền thông mà tôi dạy, tôi thấy khả năng viết văn của con mình vượt xa rất nhiều sinh viên lớn hơn 4-5 tuổi.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy con gái tôi viết có phần bay bổng về ý tưởng, rổn rảng về câu từ, đọc nghe hay nhưng thấy ít gần gũi. Tôi nhiều lần chỉ ra điểm đó cho con thấy thì chính cháu cũng nhận ra nhưng lại trả lời rằng: “Con thấy viết như vậy mới hay! Còn viết giản dị thì thành ra… thường quá!”. Tôi chia sẻ điều này với một số người quen thì nhận ra con tôi không phải là trường hợp cá biệt. Một số bạn trẻ bây giờ viết văn thích cái gì đó lớn lao, cao siêu, vượt ra khỏi những cái bình thường đang có, từ ý tưởng đến ngôn từ. Có lẽ con tôi và nhiều bạn trẻ chưa hiểu rằng phần lớn những tác phẩm văn học lớn đều có nội dung gắn với đời thường, ngôn ngữ giản đơn rất gần gũi với tiếng nói mà tác giả sử dụng và nghe thấy trong đời sống. Trong nền văn học Việt Nam cũng vậy, trừ một vài tác gia khác cầu kỳ trong thể hiện ý tưởng và dùng ngôn từ, phần lớn lại có phong cách gần gũi, giản dị, làm cho người đọc bình dân cảm thấy không xa lạ hoặc khó hiểu.
Trên thực tế, việc viết bài làm văn sao cho giản dị, gần gũi và thuyết phục là một kỹ năng quan trọng giúp truyền tải ý tưởng một cách hiệu quả và dễ hiểu. Điều đó không phải làm tác phẩm trở nên tầm thường mà chính là không đặt tác phẩm xa cách với đông đảo người đọc. Do đó, bên cạnh việc tôn trọng văn phong của một số học sinh có năng lực riêng, có thể yêu thích hoặc có nhu cầu sáng tác những tác phẩm cầu kỳ về nội dung và ngôn ngữ, thì với phần đông học sinh còn lại, giáo viên nên quan tâm định hướng để các em viết văn sao cho giản dị, dễ hiểu.
Trước hết, cần giúp học sinh xác định mục đích và đối tượng đọc. Đó là phải hiểu rõ mục đích của bài viết (thuyết phục, thông báo, giải thích, phân tích…) và đảm bảo rằng nội dung bài viết phù hợp với mục đích đó. Thí dụ, viết một bức thư cho ông bà ở nơi xa thì không thể bay bổng về ý tưởng, hoa mỹ về ngôn từ, cầu kỳ về diễn đạt mà phải sao cho nhẹ nhàng, tình cảm. Trái lại, viết một bài luận giới thiệu với một hội đồng thẩm định nhằm giành một suất học bổng thì có thể cần cầu kỳ, phức tạp hơn về ngôn ngữ, bố cục… Đương nhiên, người viết phải xác định đối tượng đọc bài viết để chọn lựa từ ngữ và cách trình bày phù hợp với văn hóa, nhu cầu và sở thích của họ.
Bên cạnh đó, học sinh cần quan tâm việc sử dụng ngôn ngữ đơn giản và rõ ràng. Đó là sử dụng từ ngữ phổ thông, đơn nghĩa hoặc có tính chất tu từ nhưng dễ hiểu và không gây ra hiểu lầm, tránh các thuật ngữ phức tạp hoặc từ ngữ hàn lâm nếu không cần thiết; đặc biệt là tránh sử dụng tiếng lóng, tiếng địa phương nếu không phù hợp, và cả ngôn ngữ theo kiểu “teen code”. Điều này giúp bài viết dễ tiếp cận và dễ hiểu. Đó là ưu tiên sử dụng câu ngắn và cấu trúc câu đơn giản; tránh các câu dài và phức tạp có thể làm cho ý nghĩa bị mơ hồ.
Để bài viết chặt chẽ, đủ ý cần có sự sắp xếp ý tưởng sao cho logic và mạch lạc. Trước khi viết, lập dàn ý để tổ chức các ý tưởng một cách chặt chẽ; đồng thời sắp xếp các phần của bài viết theo trình tự hợp lý: mở bài, thân bài, kết luận và từng nội dung cần hướng đến ở từng phần đó. Song song đó, học sinh cần quan tâm việc sử dụng các liên từ và cụm từ chuyển tiếp để đảm bảo rằng các ý tưởng được kết nối mạch lạc, mượt mà, liền lạc. Về bố cục, việc xây dựng một mở bài hấp dẫn để thu hút sự chú ý của người đọc ngay từ đầu (có thể sử dụng câu hỏi gợi mở, câu chuyện ngắn, hoặc một tuyên bố gây ấn tượng…) có thể là một giải pháp tích cực để giúp người đọc có lòng yêu thích đọc ngay từ đầu. Đặc biệt, cần kết luận bài viết một cách rõ ràng và mạnh mẽ, tổng kết các điểm chính và nhấn mạnh thông điệp chính… cũng như có những gợi mở để người đọc tiếp tục suy nghĩ. Hay việc dùng các thí dụ cụ thể để chứng minh các điểm chính trong bài viết cũng rất cần thiết và nên xem là một nghệ thuật. Ví dụ, để người đọc hiểu rõ hơn về một luận điểm thì luôn cần có các dẫn chứng cụ thể, thuyết phục giúp họ dễ dàng hình dung và hiểu ý tưởng. Đồng thời, tùy theo nội dung, bối cảnh, đối tượng đọc…, nếu phù hợp, có thể thêm các yếu tố cảm xúc vào ví dụ để làm bài viết trở nên sinh động và gần gũi hơn. Ngoài ra, với một số viết thường xuyên, tự dưng sẽ hình thành phong cách và yếu tố cá nhân này sẽ tạo ra nét riêng để phân biệt người này với người khác. Đương nhiên, giọng viết riêng hay phong cách viết cá nhân là cần thiết nhưng cần giữ cho nó phù hợp với mục đích và đối tượng. Việc viết theo cách tự nhiên giúp bài viết trở nên chân thật và dễ tiếp cận. Phải thực sự tránh lặp lại các cụm từ sáo rỗng hoặc quá “mòn” mà cố gắng diễn đạt ý tưởng bằng cách thuyết phục, mới mẻ và độc đáo.
Cuối cùng, một số vấn đề mang tính “kỹ thuật”, không hoàn toàn thuộc về bài viết nhưng cũng có ý nghĩa làm cho bài viết đầy đặn, hấp dẫn và thuyết phục hơn, đồng thời giúp học sinh rút được kinh nghiệm cho những lần viết sau. Chẳng hạn, sau khi viết xong, nên đọc lại bài viết để phát hiện và sửa lỗi chính tả, ngữ pháp và các vấn đề khác về nội dung, diễn đạt. Có khi nhờ rà lại mà có thể tránh những lỗi nghiêm trọng hoặc tìm được từ thay thế đắt giá… Nếu có cơ hội, các em cần lắng nghe phản hồi từ người khác để cải thiện khả năng thuyết phục của bài viết, bằng cách đưa bài viết cho người khác đọc và nhận xét để góp ý về sự rõ ràng và hiệu quả của bài viết. Đồng thời, cần viết thường xuyên để cải thiện kỹ năng; trong đó cần đọc nhiều và viết nhiều để giúp các em phát triển phong cách, nâng cao khả năng viết cũng như sử dụng ngôn từ một cách nhuần nhuyễn.
Những gợi ý trên đây có thể chưa đầy đủ nhưng sẽ giúp cho học sinh ít nhiều trong việc viết các bài văn một cách giản dị, gần gũi và thuyết phục, từ đó làm cho nội dung bài viết dễ hiểu và gây ấn tượng với người đọc. Do đó, giáo viên cần quan tâm định hướng, uốn nắn, sửa chữa để học sinh có thể rèn luyện ngòi bút của mình theo hướng dễ đọc với đông đảo người đọc.
Trúc Giang
Bình luận (0)